Chân Như, phóng viên RFA
Bộ y tế vừa đưa ra đề xuất qui định cấm không được bán rượu bia sau 10 giờ khuya đến 6 giờ sáng tại một số địa điểm do chính phủ qui định. Sự việc đã gây tranh cãi trong toàn dân trên cả nước và của cả các cư dân trên cộng đồng mạng. Và đây cũng là đề tài mà Chân Như muốn cùng với các bạn Từ Anh Tú, Sỹ Hoàng và Trường Sơn chia sẻ trong Diễn đàn bạn trẻ kỳ này.
Không phù hợp thực tế
Chân Như: Xin chào các bạn. Trên nhiều các mặt báo mạng trong nước gọi đề xuất này là một hiện trạng “ ngồi trên trời làm chính sách”. Riêng Chân Như thì thấy không nước nào ra nhiều luật nhiều như ở Việt Nam và cũng không có nước nào luật không được thực thi nhiều như ở Việt Nam. Nhận định của các bạn về dự thảo này như thế nào?
Trường sơn: Theo tôi vấn đề này, đúng nghĩa hơn nghĩa đen của nó là những luật này được các vị lãnh đạo ngồi trong phòng máy lạnh nhưng lại soạn ra những luật không phù hợp một chút nào cho cuộc sống thực tế của người dân. Có rất nhiều dự luật trước đây ý tưởng có vẻ là tốt nhưng thực chất hoàn toàn không phù hợp. Người dân ở Việt Nam cũng có câu là luật của Việt Nam được ban ra là để cho người dân lách.
Sỹ Hoàng: Mình cũng hoàn toàn đồng ý, mình thấy dự luật này không có khả thi. Những nhà làm luật hình như dường như họ không thâm nhập vào thực tế để đánh giá đúng thực chất. Đúng ra phải có một cơ quan chuyên trách đi thâm nhập vào thực tế và có những khảo sát cụ thể để ra những kết luận đúng đắn. Từ những kết luận đó họ mới ra được những dự luật có thể thực hiện được tốt.
Từ Anh Tú: Đúng là như vậy, thực chất người dân Việt Nam vẫn biết Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng họ thực thi bằng luật rừng. Dự thảo luật này cũng không ngoài mục đích tạo điều kiện cho cơ quan công quyền có cơ hội kiếm tiền.
Chân Như: Nhiều người cho rằng việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ sẽ là một bước lùi cho ngành du lịch, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh rượu bia của khá nhiều hộ dân tại Việt Nam; vậy cá bạn có nghĩ dự thảo này khả thi không?
Có rất nhiều dự luật trước đây ý tưởng có vẻ là tốt nhưng thực chất hoàn toàn không phù hợp. Người dân ở Việt Nam cũng có câu là luật của Việt Nam được ban ra là để cho người dân lách.
-Trường Sơn
Sỹ Hoàng: Vấn đề về du lịch, một số thì người ta thích thoải mái vui vẻ vào ban đêm, nên người ta đi uống rượu uống bia. Dự thảo thì đề nghị cấm uống rượu bia sau 22 giờ thì nó rất khó khả thi được. Điều thứ hai không thể nào quản lý được chuyện bán rượu bia; tại vì cấm bán sau 22 giờ thì người ta có thể bán trước đó để khách hàng mua trước rồi uống. Có rất nhiều cách để lách luật, nên điều này không thể nào thực hiện một cách khả thi được.
Từ Anh Tú: Dự thảo luật này rất không thể khả thi, bởi vì giờ giấc sinh hoạt của mỗi người khác nhau. Có người thì làm về buổi đêm, có người thì đến tầm ấy thì bắt đầu đi nhậu hoặc là tụ tập bạn bè. Nhất là ngành du lịch tầm 10 giờ mới là tầm người ta sinh hoạt nhiều và như vậy có thể nhà nước cấm, nhưng em nghĩ sẽ không thể cấm được; hoặc là họ sẽ thực hiện một cách hời hợt có như thế không những không cấm được người dân mà còn tạo điều kiện cho cơ quan công an khả năng đi “kiếm ăn” ở các quán ăn uống và ở những người mua bán rượu.
Trường Sơn: Theo ý kiến của tôi thì nó không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc kinh doanh du lịch ở Việt Nam vì có rất nhiều yếu tố để tạo lên sức hấp dẫn cho ngành du lịch chứ không riêng việc kinh doanh bia rượu. Nhưng nếu dự luật này được ban ra và được thực thi một cách nghiêm ngặt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh bia rượu; Đặc biệt là ở các thành phố lớn. Ở Việt Nam, việc người dân ra ngoài uống bia uống rượu vào buổi tối là việc rất phổ biến. Ở Hà Nội còn được coi là nét văn hóa nhất là bia hơi và khung giờ từ 22 đêm là khung giờ cao điểm để mọi người ra ngoài uống bia, có thể là uống rượu. Nếu dự luật này được ban hành và thực thi nghiêm ngặt có nghĩa là cấm thì đối với những chủ cửa hiệu kinh doanh bia, rượu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chân Như: Theo phó viện trưởng chiến lược và chính sách y tế dự phòng thì dự thảo này còn rất nhẹ thua xa các nước khác khi họ chỉ cho bán từ 17h đến 21h. Bà cũng cho rằng việc quí ông lai rai quá khuya làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình và gây ra tai nạn giao thông. Bạn có hoàn toàn đồng ý với ý kiến này?
Trường Sơn: Tôi cho rằng dùng từ nhẹ ở đây là không chính xác mà phải dùng từ lỏng lẻo, làm cho có chứ không phải là làm. Tôi có biết ở các nước phương tây họ quản lý việc kinh doanh rượu khá là nghiêm túc và đặc biệt là về độ tuổi; ví dụ như khi anh đủ một mức độ tuổi nhất định thì anh mới được mua rượu và nồng độ còn bao nhiêu. Theo tôi cách mà chính phủ Việt Nam vừa đưa ra không giống ai cả. Tôi cho rằng cách làm luật của chính quyền Việt Nam từ trước đến nay luôn là như vậy; Họ luôn tỏ ra rằng mình đang muốn bắt kịp thời đại, họ muốn sáng tác ra được nhiều luật càng tốt và bất cứ luật nào ở các nước phương tây có mà họ (chính quyền) chưa có thì họ phải cố gắng làm ra bằng được; nhưng sự cố gắng của họ là sự cố gắng nửa vời, họ chỉ làm luật cho có mà thôi. Đấy là lý do tại sao chúng ta thấy các dự luật ở Việt Nam, ngay cả khi còn đang trong trứng nước thì đã bị người dân phản đối rồi. Còn về vấn đề rượu bia bị ảnh hưởng đến những vấn đề xã hội mà đặc biệt là tai nạn giao thông, thì trong ý này tôi thấy rằng không có gì là không chính xác.
Sỹ Hoàng: Theo tôi chuyện bán bia rượu sau 22 giờ ảnh hưởng đến trật tự xã hội hay hạnh phúc gia đình, theo tôi cũng có một phần nào đó nhưng mà quan trọng là ý thức của người bia rượu; Trước giờ chuyện anh uống bia uống rượu, gây mất trật tự thì có những điều luật khác điều chỉnh anh; Hoặc anh điều khiển xe gắn máy mà lượng cồn quá quy định thì anh cũng bị tước bằng lái hoặc bị xử phạt nào đó. Nên lấy lý do để cấm bán rượu bia sau 22 giờ tôi nghĩ lý do không hợp lý, thỏa đáng.
Từ Anh Tú: Ý kiến của những quan chức đó không phải là sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng, bởi vì mỗi quốc gia có nét văn hóa riêng. Mình không thể thấy nước ngoài như thế nào mình cũng bắt trước một cách máy móc, rập khuôn. Như thế thì chỉ có thất bại. Còn nếu chính phủ thực tâm muốn bảo vệ sức khỏe người dân về vấn đề bia rượu, theo em, thì họ nên cho những chương trình về giáo dục, hướng dẫn người dân sử dụng bia rượu một cách tốt nhất, cộng thêm vào đó họ nên quản lý chặt chẽ việc sản xuất bia rượu, vì em thấy hiện tượng bia rượu giả ở Việt Nam rất phổ biến. Chính đấy là nguyên nhân thực sự làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và tất nhiên việc lạm dụng bia rượu như vị quan chức đó nói ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây tai nạn giao thông. Đó cũng là một trong những nguyên nhân rất quan trọng. Theo em mình chỉ nên giáo dục người dân làm sao để uống bia rượu cho nó ở một mức độ giới hạn chứ không nên đề ra những luật cấm bán hay cấm uống rượu.
Tác động người dân?
Chân Như: Nếu dự thảo luật này được thông qua và ban hành, theo các bạn sẽ có những tác động nào lên người dân?
Tác động trước mắt thì sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đến với việc sản xuất kinh doanh của người dân, bởi vì khi mà cấm như vậy thi tất cả các quán bia rượu sẽ phải đóng cửa trước 22 giờ.
-Từ Anh Tú
Từ Anh Tú: Tác động trước mắt thì sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đến với việc sản xuất kinh doanh của người dân, bởi vì khi mà cấm như vậy thi tất cả các quán bia rượu sẽ phải đóng cửa trước 22 giờ. Tất nhiên người ta sẽ không được kinh doanh. Như vậy thì sẽ tạo một hiện tượng giống như bảo kê mà chính quyền sẽ lại áp dụng với một số đông đảo những hộ kinh doanh bia rượu, để có thể kiếm cách để tiếp tục bán sau 22 giờ. Em nghĩ tính chất tiêu cực hơn là tích cực.
Sỹ Hoàng: Nếu như được thông qua, người dân tuân thủ một cách tốt và chỉnh chu thì việc tiêu thụ rượu bia sẽ giảm bớt và nó ảnh hưởng đến nền kinh tế vì ngành sản xuất bia rượu là thế mạnh và người dân Việt Nam tiêu thụ bia rượu rất nhiều, và nó giảm sự đóng góp trong nền kinh tế quốc dân. Nếu như người dân không thích dự luật này, không tuân thủ, thì có rất nhiều cách để họ lách luật. Nó sẽ gây đến vấn đề tiêu cực trong việc quản lý rồi kiểm soát, sẽ có đút lót hối lộ, rồi có nhiều cách khác để họ lách luật mà họ vẫn có thể uống được bia rượu trong khoảng thời gian đó.
Trường Sơn: Nếu dự luật này được thông qua thì ảnh hưởng của nó đối với xã hội, tôi cho rằng sẽ biến theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất sau khi điều luật mới được thông qua; Những cơ quan chức năng như công an, họ làm việc rất nghiêm túc và nhiệt tình, vì khi cái gì mới họ luôn muốn tỏ cho cấp trên của họ cũng như người dân thấy rằng họ đang rất cố gắng; Nhưng giai đoạn đầu này tôi cho rằng cũng (kết thúc) rất nhanh thôi. Còn giai đoạn thứ hai là giai đoạn tôi cho rằng tất cả các điều luật được ban ra từ trước đến nay đều gặp phải giai đoạn này. Đó là người dân Việt Nam họ rất biết cách lách luật; Cái đoạn thứ hai này tôi gọi là giai đoạn thỏa hiệp; Lực lượng giám sát thi hành pháp luật và người dân mà cụ thể là những người kinh doanh những chủ cơ sở sản xuất bia rượu sẽ đi đến một mức độ thỏa hiệp, để làm thế nào mà cả hai bên đều ở trạng thái chấp nhận được, đó là những người bán rượu bán bia sau 22 giờ có thể sẽ có những tác động, những hành động gì đó để khiến cho những công an không cảm thấy như ông đang không quá tôn trọng dự luật này.
Nhưng những công an cùng với đó sẽ để cho những người bán có một đường sống nhất định. Ví dụ, ok anh có thể bán bia, bán rượu sau 22 giờ nhưng không được quá tự do như trước đây chẳng hạn, đổi lại thì tất nhiên những chủ cơ sở kinh doanh bia rượu và sản xuất bia rượu sẽ phải lại quả cho lực lượng công an. Đây là việc mà tôi không nói thì tất cả những người Việt Nam đều biết nó đang xẩy ra và nó sẽ phải như vậy, vì sao? Người dân cần phải kinh doanh để sống, thì ngược lại khi người dân không còn đường sống nữa thì các cơ quan chức năng cũng không còn đường thu nhập nữa; Ở đây không ai muốn mất đi một cái gì hết và tôi cho rằng giai đoạn thỏa hiệp sẽ đến rất nhanh vì người dân Việt Nam họ có kinh nghiệm lách luật.
Chân Như: Để kết thúc cho chương trình mời các bạn đưa ra phần nhận định cuối của mình về dự luận mới này.
Trường Sơn: Trong câu trả lời trước tôi có đề cập đến vấn đề tại sao nhà cầm quyền Hà Nội luôn tạo ra những luật mà người dân sau khi nghe chỉ có một cách đó là chép miệng, lắc đầu và nói thật là ngu dốt; cá nhân tôi cho rằng chính quyền Việt Nam tạo ra nhiều bộ luật như vậy như là một cách nào đó muốn nói với thiên hạ với cả thế giới rằng họ quan tâm đến tất cả các vấn đề trong xã hội, nhưng tại sao các dự luật họ đưa ra lại vớ vẩn như vậy? Vì họ chỉ có một mục tiêu duy nhất muốn cho bằng người khác, nhưng họ không có trách nhiệm, không nghiêm túc và không thực sự nghiên cứu đào sâu để làm ra được một bộ luật có ích cho người dân.
Từ Anh Tú: Sở dĩ chính quyền Hà Nội này thông qua những điều luật hết sức vô lý, nguyên nhân là khi mà người ta không thực tâm quan tâm đến ý kiến của người dân thì tất nhiên họ sẽ chỉ làm theo chủ quan của họ và hơn nữa những điều luật này bản chất chỉ với mục đích duy nhất đó là tìm cách để móc tiền từ túi người dân.
Sỹ Hoàng: Theo tôi nghĩ thì chắc có lẽ họ chỉ muốn kiểm soát quản lý tất cả mọi lãnh vực nhưng họ không nghĩ đến nó phải hợp lý. Luật phải vì nhân sinh chứ luật ra mà không vì người dân thì tất nhiên người dân, quyền lợi của họ bị thiệt thòi, họ sẽ không tuân thủ luật pháp một cách đúng đắn, họ không tôn trọng điều luật, thì nên chăng các nhà làm luật phải cân nhắc kỹ càng và có những công trình nghiên cứu, những khảo sát kỹ ra những chính sách hợp lý hơn, chứ đừng vì nhiệt tình quá nhưng lại thiếu hiểu biết, tôi không muốn nói là ngu dốt, thì nó sẽ gây nên những sự phá hoại.
Chân Như: Xin cám ơn 3 bạn, Trường Sơn, Từ Anh Tú và Sỹ Hoàng đã bỏ thời gian đến với chương trình Diễn Đàn Bạn Trẻ kỳ này. Và để kết thúc cho chương trình mời quý vị và các bạn cùng đến với 1 số ý kiến của các bạn trẻ mà chúng tôi có dịp hỏi chuyện tại cả hai miền nam bắc về dự luật mới này. Chân như cũng cám ơn phần lắng nghe của quý vị mong gặp lại vài tuần sau cũng trong chương trình này, mến chào tạm biệt.
“Em không ủng hộ, tại vì một số người tổ chức sinh nhật không lẽ đang chơi tới ngay lúc 10 giờ là nghỉ nó hơi bất hợp lý và em thấy ra cái nghị quyết này sẽ gây khó khăn rất lớn cho một số những người bán hàng.”
“Trước tiên có thể nhận thấy ngay quy định của Bộ y tế đã có phần mâu thuẫn khi trong bộ luật của Bộ giao thông có quy định người tham gia giao thông không được phép uống rượu bia, thì há chẳng phải quy định của Bộ y tế có phần thừa thãi. Bộ giao thông còn không ngăn được tình trạng uống rượu bia thì Bộ y tế lấy cơ sở gì để tin rằng luật mình đưa ra là có tác dụng? Theo tôi quy định trên của Bộ y tế chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức không hề có tính khả thi.”
“Tôi thấy điều luật này chưa thỏa đáng, bởi vì các thành phố lớn trên thế giới đều có một đời sống về đêm khá là phong phú và những thành phố này đều là những thành phố thu hút khách du lịch và đem lại lợi nhuận cao. Việt Nam thay vì cấm thì nên tìm một giải pháp quản lý chặt chẽ hơn như là siết chặt về độ tuổi uống bia rượu và hạn chế những nơi kinh doanh bia rượu như là giấy phép tôi nghĩ sẽ khả thi hơn.”
“Theo tôi quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ là không hợp lý bởi vì những mục tiêu về sức khỏe hay an toàn giao thông, về phòng chống bạo hành gia đình thì được rất nhiều các điều luật khác đã được điều chỉnh rất cụ thể rõ ràng và luật này không mang tính ràng buộc và hoàn toàn thiếu tính khả thi trong thực tế.”
No comments:
Post a Comment