Saturday, August 2, 2014

Hàng ngàn người Việt đi làm thuê bị kẹt ở Libya

HÀ NỘI (NV) - Trong khi Philippines thuê tàu để di tản 13,000 người Philippines ở Libya thì Việt Nam tuyên bố, nhiều vùng ở Libya vẫn an toàn nên không di tản hàng ngàn người Việt được đưa đến đó làm thuê.


Những người Việt Nam được đưa từ Libya về Việt Nam bằng tàu thủy lên bờ tại cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh, hồi đầu tháng 4 năm 2011. (Hình: Người Lao Ðộng)

Chỉ mới có 76 người Việt đi làm thuê ở Libya về tới Việt Nam, 130 người khác đang trên đường trở về.

Trước đó, 206 người vừa kể được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ làm thuê cho một tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tập đoàn này đưa họ đến làm việc tại Tripoli và Benghazi ở Libya. Nội chiến tại Libya đã biến Tripoli và Benghazi thành vùng có chiến sự, tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ đưa họ về lại Thổ và từ Thổ họ trở về Việt Nam.

Trong ba tuần vừa qua, nhiều người có thân nhân được đưa đến làm thuê tại Libya đã liên tục yêu cầu Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội của Việt Nam phải đưa người nhà của họ trở về.

Bởi tổng số người Việt được đưa đến Libya làm thuê là 1,750 người nên vẫn còn 1,550 người Việt bị kẹt lại tại Libya. Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam bảo rằng, 1,550 người đó đang làm việc tại những khu vực không có chiến sự nên vẫn an toàn và sẽ không tổ chức di tản.

Tuy nhiên cũng Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội của Việt Nam loan báo, vì tình hình an ninh ở Libya bất ổn, Việt Nam quyết định tạm ngưng đưa người Việt đến làm thuê tại Libya.

Khác với Việt Nam, sau khi một công nhân Philippines bị chặt đầu và một nữ y tá Philippines bị bắt cóc và cưỡng hiếp, hôm 31 tháng 7, chính quyền Philippines tuyên bố sẽ thuê tàu để di tản 13,000 người Philippines khỏi Libya.

Ông Albert del Rosario, ngoại trưởng Philippines cho biết, Philippines đang huy động tàu bè từ Malta để gom người Philippines ở Libya đưa về Malta, rồi tiếp tục dùng phi cơ vận chuyển họ về Manila.

Về phía Việt Nam, có vẻ như 206 người Việt rời Libya sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về Việt Nam hoàn toàn không phải do nỗ lực của chính quyền Việt Nam. Cho đến nay, các viên chức Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội của Việt Nam chỉ hứa hẹn chung chung về chuyện, nếu những người được đưa sang Libya làm thuê phải quay về Việt Nam do tình hình Libya bất ổn thì họ “sẽ được xem xét hỗ trợ theo đúng quy định và tùy từng trường hợp cụ thể.”

Libya là một trong những quốc gia mà Việt Nam từng gửi rất nhiều người đến làm thuê. Hồi đầu năm 2011, khi nội chiến bùng phát ở Libya, Việt Nam đã từng phải tổ chức di tản 10,300 công nhân khỏi Libya bằng phi cơ và tàu thủy.

Ðến tháng 2 năm 2012, sau khi chính quyền Muammar Gaddafi bị lật đổ, tình hình Libya ổn định trở lại, Việt Nam tiếp tục gửi người sang Libya làm thuê. (G.Ð)

No comments:

Post a Comment