QUẢNG NINH (NV) - Không ép được tiểu thương rời bỏ chợ Hải Hà, chính quyền huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, chuyển qua ép những cán bộ có thân nhân buôn bán tại ngôi chợ này, buộc họ ép vợ, mẹ thực thi lệnh của chính quyền.
Ðó là nguyên nhân khiến một số gia đình phát sinh xung đột. Bà Ðinh Thị Nẩy, 49 tuổi, ngụ tại xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, đang kinh doanh quần áo tại chợ Hải Hà, cho biết, có thể bà sẽ xin ly hôn vì ông Ðinh Hữu Khùng, bí thư xã Quảng Chính, liên tục ép bà phải rời bỏ ngôi chợ này.
Hàng trăm tiểu thương chợ Hải Hà mang cả con đến ngủ trước cổng chợ để giữ nơi buôn bán. (Hình: Tiền Phong)
Ông Khùng bảo rằng, nếu bà Nẩy, “chây ì,” không chịu rời bỏ chợ Hải Hà, ông sẽ bị kỷ luật. Còn bà Nẩy cho biết, nếu nghe lời chồng, cả nhà sẽ đói bởi lương ông Khùng không thể nuôi được vợ con.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra trong gia đình bà Phạm Thị Tựa, vợ một cán bộ xã Quảng Chính và bà Phạm Thị Thanh, ngụ tại thị trấn Quảng Hà, vợ một sĩ quan đang phục vụ trong Ban Chỉ Huy quân sự huyện Hải Hà.
Bà Nguyễn Bích Ngọc, ngụ tại thị trấn Quảng Hà, một trong những tiểu thương kinh doanh tại chợ Hải Hà, cũng vừa mới tuyên bố sẽ viết giấy từ con để con bà, một cán bộ làm việc tại Ủy Ban Nhân Dân huyện Hải Hà không bị kỷ luật.
Chợ Hải Hà hình thành năm 1993 và từ đó đến nay là nơi giúp 600 gia đình kiếm sống. Những tiểu thương buôn bán tại ngôi chợ này đã từng góp rất nhiều tiền để tu bổ ngôi chợ, kể cả xây dựng lại khi chợ bị cháy rụi vào đầu năm 2013.
Năm 2009, chính quyền tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án xây dựng trung tâm thương mại-khu dân cư Nam Hải Hà và giao cho công ty Ðức Dương thực hiện. Trong dự án này, ngôi chợ mới cách ngôi chợ hiện hữu khoảng 500 mét. Năm 2012, dự án hoàn tất nhưng không có ai chịu vào trung tâm thương mại Nam Hải Hà để kinh doanh. Giữa năm 2013, chính quyền huyện Hải Hà công bố quy hoạch giải tỏa ngôi chợ hiện hữu để... xây công viên nhưng tiểu thương đang buôn bán tại ngôi chợ hiện hữu dứt khoát không bỏ chợ.
Nhiều tiểu thương cho biết, họ đã đóng rất nhiều tiền để tu bổ, xây dựng ngôi chợ hiện hữu, nhiều người vẫn còn mắc nợ vì những khoản đóng góp này. Nay, nếu phải chuyển vào trung tâm thương mại Nam Hải Hà, họ sẽ phải mất thêm một khoản tiền lớn để mua kiosque, trong khi buôn bán chắc chắn không hiệu quả.
Ðây là lý do khiến chính quyền huyện Hải Hà ép những thuộc cấp có thân nhân đang kinh doanh tại ngôi chợ hiện hữu phải ép thân nhân rời bỏ ngôi chợ hiện hữu để “làm gương.”
Ðể bảo vệ nơi buôn bán của mình, từ giữa tuần trước đến nay, mỗi đêm, hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh tại ngôi chợ hiện hữu kéo nhau đến cổng chợ để ngủ vì sợ chính quyền bít đường vào chợ.
Ðây không phải lần đầu tiên tiểu thương nhất quyết giữ nơi buôn bán, từ chối chuyển vào các trung tâm thương mại. Hồi đầu năm nay, hàng ngàn người dân cư ngụ tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cũng đã đổ đến, vây trụ sở xã Ninh Hiệp để phản đối kế hoạch giải tỏa chợ Nành Ninh Hiệp, phá trường tiểu học Ninh Hiệp để xây chợ mới và ép tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Nành Ninh Hiệp phải mua kiosque tại chợ mới. Ngoài việc vây trụ sở xã Ninh Hiệp, dân xã Ninh Hiệp còn bãi thị (không họp chợ), bãi khóa (không cho con em đến trường) để phản đối.
Trong thập niên vừa qua, nhiều tờ báo tại Việt Nam đã thực hiện nhiều phóng sự chứng minh, đầu tư vào các trung tâm thương mại là vứt tiền qua cửa sổ. Cuối năm ngoái, một số tờ báo khẳng định, hàng chục ngàn tỉ đã đổ vào các trung tâm thương mại ở Hà Nội là sự lãng phí khủng khiếp.
Bất chấp sự phản đối của nhiều giới, trong vài năm gần đây, chính quyền thành phố Hà Nội vẫn tổ chức đập bỏ hàng loạt ngôi chợ lâu đời, rồi giải tỏa thêm những khu vực quanh đó để dựng lên các trung tâm thương mại và dự án nào cũng tạo ra biểu tình vì thu hồi đất, giải tỏa nhà, bồi thường không hợp lý.
Cuối năm ngoái, những tiểu thương đã từng vào các trung tâm thương mại tại Hà Nội lũ lượt xin ngừng kinh doanh vì ế ẩm. Vào thời điểm đó, chính quyền thành phố Hà Nội xác nhận 62/62 tiểu thương kinh doanh tại trung tâm thương mại Cửa Nam đã ngưng kinh doanh và tìm người sang nhượng sạp. Con số này ở trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa là 100/100 và tại trung tâm thương mại Hàng Da là 200/636.
Tình trạng tương tự đã xảy ra khắp nơi ở Việt Nam. Chỉ riêng với chợ, hệ thống chính quyền các cấp tại Việt Nam đã vứt bỏ cả trăm ngàn tỷ. Giữa thập niên 2010, tình trạng đập bỏ chợ cũ để xây mới hoặc thu hồi đất để đầu tư những ngôi chợ “hiện đại” ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã làm tốn rất nhiều giấy mực do lãng phí. Ví dụ, năm 2004, chính quyền tỉnh Trà Vinh phê duyệt dự án xây dựng chợ Sóc Cầu ở huyện Tiểu Cần. Dự án này ngốn hết một tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, chợ Sóc Cầu trở thành nơi cho trẻ chăn bò lùa bò tới đó tránh nắng. (G.Ð)
Cái này có thể gọi là " Hối mãi quyền lực " Chính quyền huyện cấu kết với Cty kinh doanh để bắt chẹt người buôn bán ! Nhưng chính quyền bắt các cán bộ phải thúc ép người thân kinh doanh vào chợ mới với hình thức quá đáng và không giống ai như vậy, còn đe kỷ luật cán bộ không vận động được người thân ....thì là quá quắt. Chỉ lợi cho Cty đã bỏ tiền ra đầu tư chợ và cán bộ .......thôi.
ReplyDelete