Thanh Trúc, phóng viên RFA
Một gia đình dân tộc theo đạo Tin Lành, từ vùng Tây Nguyên chạy sang Thái Lan xin tị nạn năm 2010, với sự phối hợp của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan, được chính phủ Canada chấp nhận cho định cư vì lý do nhân đạo hôm 23 tháng Bảy vừa qua.
Nghẹn ngào đón tiếp người tỵ nạn
Sau nhiều năm sống lây lất ở Thái Lan, cuộc hành trình đến đất mới gây khá nhiều bỡ ngỡ và xúc động cho người đi lẫn người đón. Bản thân anh Siu A Nem, chủ gia đình và vợ anh, vốn không nói rành tiếng Việt, cũng không biết rõ điểm đến sau cùng ở Canada là nơi nào. Trong lúc đó những người Việt Nam ở Toronto khi ra phi trường đón người mới tới thì cũng không rõ là những đồng bào Thượng này chỉ ghé qua Toronto rồi lại bay tiếp về một nơi khác:
Tôi ở cách Toronto khoảng 3 tiếng đồng hồ, xuống Totonto để đón gia đình của anh Siu A Nem, tại vì anh Siu A Nem trước đây cũng được BPSOS hỗ trợ rất nhiều trong vấn đề đi định cư ở một nước thứ ba cũng như giúp tiền bạc rồi bảo lãnh ra lúc bị tù bên Thái Lan. Anh Siu A Nem đến Toroto ngày 23 tháng Bảy vừa rồi tức là ngày thứ Tư, rồi lấy chuyến bay đi kế để đi Quebec. Gia đình anh có 9 người gồm 2 vợ chồng và 7 người con.
Đó là lời anh Đặng Văn Nghiêm thuộc Friends Of BPSOS, chuyên đáp ứng những lời lời kêu gọi của tổ chức BPSOS ở Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ giúp đỡ những người Kinh và người Thượng chạy sang Thái Lan để tránh bị bắt bớ bởi chính quyền bên nhà.
Ngày thường mọi người đi làm hết nên tôi cùng mấy anh chị trong Ủy Ban Ủng Hộ Kháng Chiến Quốc Nội hợp cùng với Hội Người Việt Toronto tức tốc chạy ra phi trường của Toronto. Ra đó, không kịp chuẩn bị gì hết, chúng tôi ngồi xuống đất để ghi cái bảng chào mừng rồi đứng chờChị Nguyễn Sỹ Thùy Ngân
Chị Nguyễn Sỹ Thùy Ngân, cư dân Toronto, kể lại quang cảnh lúc cùng mọi người ra đón gia đình anh Siu A Nem ở phi trường:
Tôi không ở trong tổ chức nào hết, chỉ là hội đoàn nào làm việc gì hay có ý nghĩa tốt thì tôi đi ủng hộ. Hôm đón gia đình của anh Siu A Nem thì vài tiếng đồng hồ trước đó chúng tôi mới biết. Giờ chót trong tình trạng ngày thường mọi người đi làm hết nên tôi cùng mấy anh chị trong Ủy Ban Ủng Hộ Kháng Chiến Quốc Nội hợp cùng với Hội Người Việt Toronto tức tốc chạy ra phi trường của Toronto. Ra đó, không kịp chuẩn bị gì hết, chúng tôi ngồi xuống đất để ghi cái bảng chào mừng rồi đứng chờ mấy tiếng đồng hồ thì gia đình mới ra.
Mọi người tay bắt mặt mừng, cảm động chưa kịp nói hết lời, chính bản thân của anh Siu A Nem cũng không biết là mình đi đâu, chỉ biết chữ Toronto thôi.
Khi gia đình anh Siu A Nem đến phi trường Toronto thì không thấy người bảo lãnh mà chỉ có người của sở di trú. Vẫn lời chị Thùy Ngân:
Gia đình của anh Siu A Nem hoàn toàn không biết gì hết, nói tiếng Việt cũng không rành lắm. Thực ra lúc đi đón thì phái đoàn ở Toronto rất là bức rức, mình đã nhận được người rồi nhưng vẫn rất lo vì không thấy ai bảo lãnh hết thì đêm nay đi về đâu? Thế là mấy người mình mới xúm nhau lại tính một là tạm thời đem về Hội Người Việt trước, còn nếu cần thiết thì hùn tiền nhau lại để mướn khách sạn trong ba ngày hay bảy ngày trong thời gian tìm người bảo trợ. Hỏi anh Siu A Nem thì anh cũng nói chỉ biết đến Toronto thôi.
Thế nhưng ngay lúc đó một nhân viên Sở Di Trú, cũng là người Việt Nam, đến báo cho biết ông ta đang giữ 9 vé máy bay cho gia đình Siu A Nem bay tiếp đến Quebec, Montreal, là nơi họ được bảo lãnh về:
Lúc bấy giờ mọi người ngơ ngác hết, thấy ảnh con cái một đàn 7 đứa nheo nhóc thấy thương đứt ruột luôn, không biết làm sao thì mỗi người chút tiền nhét cho ảnh phòng khi uống nước hay là ăn nọ kia. Nhưng mà Immigrant người ta tốt lắm, sau khi chia tay với đoàn mình thì cái anh trong Immigrant mới dẫn 9 người đi ăn trước khi lên máy bay đi Montreal.
Tụi mình cũng không biết là người ta sẽ chuyển máy bay. Với tâm tình người đi trước đón người đi sau tự nhiên nước mắt mình rơi, mình nghẹn ngào tại vì nhớ lại cảnh ba mươi mấy năm về trước mình cũng vậy. Mình thấy giống như một sự bắt đầu mà với 7 đứa con nhỏ như vậy thì rất là khó khănchị Thùy Ngân
Khi ngừng ở Toronto là để chuyển máy bay thôi, tụi mình cũng không biết là người ta sẽ chuyển máy bay. Với tâm tình người đi trước đón người đi sau tự nhiên nước mắt mình rơi, mình nghẹn ngào tại vì nhớ lại cảnh ba mươi mấy năm về trước mình cũng vậy. Mình thấy giống như một sự bắt đầu mà với 7 đứa con nhỏ như vậy thì rất là khó khăn.
Đến miền đất hứa, Quebec
Cùng ngày 23 tháng Bảy, gia đình anh Siu A Nem đến Quebec, Montreal, được ông René Bilodeau, người sáng lập Fondation Des Montagnards Vietnammiens Du Quebec, Montreal, Sáng Hội Người Miền Núi Việt Nam tại Quebec, Montreal, chính thức bảo trợ. Mấy hôm đầu, cả nhà được Sáng Hội Người Miền Núi Việt Nam đưa về tạm trú tại khách sạn. Thứ Ba vừa qua là ngày gia đình Siu A Nem dọn vào chỗ ở mới. Thường tự hào có thể nói được một ít tiếng J’rai cũng như tiếng Thái, ông René Bilodeau cho Thanh Trúc biết:
Họ đã có một căn hộ mới và đã dọn vào ngày hôm nay. Tôi từng làm việc trong Cơ Quan Di Trú của chính phủ Canada trước đây, hiện giờ tôi là thành viên của Sáng Hội Người Miền Núi Việt Nam. Đây là tổ chức vô vị lợi tư nhân, chuyên bảo trợ, chăm lo và giúp đỡ bước đầu cho người miền núi Việt Nam chạy qua Kampuchia hay Thái Lan và sau cùng được định cư tại thành phố Quebec của Montreal hoặc những vùng phụ cận.
Cho đến lúc này, nếu tính luôn 9 người trong gia đình anh Siu A Nem thì đã có 55 người Thượng từ Kampuchia hay Thái Lan được đưa về Quebec. Ông René Bilodeau:
Tôi quen biết những người Thượng đầu tiên đến Quebec từ ba năm trước, tôi cũng hiểu được những vấn đề đang có ở Việt Nam, hiểu được vì sao những người dân tộc hiền lành chất phát này phải bỏ rừng núi chạy ra những nơi vốn không phải là chổ ở của họ, những mong tìm một quốc gia thứ ba tử tế hơn để trú ẩn.
Trong thời gian qua, ông Bilodeau trình bày tiếp, Sáng Hội Người Miền Núi Việt Nam nhiều lần cử người đại diện qua Thái Lan nhằm tìm kiếm thông tin cùng hoàn cảnh người Thượng bỏ nước trốn đi:
Chúng tôi cung cấp những thông tin, hình ảnh và số liệu đó cho Trung Tâm Đa Sắc Tộc trực thuộc Bộ Di Trú Canada cũng như Phòng Chuyên Trách Đa Sắc Tộc trực thuộc Sở Di Trú Quebec. Sau khi hai cơ quan này hoàn tất hồ sơ pháp lý cho những người Thượng được chấp thuận về Quebec thì đến lượt Sáng Hội Người Miền Núi Việt Nam của chúng tôi phụ trách chăm lo thủ tục bảo trợ, đưa đón, khám sức khỏe, bố trí nơi ăn chốn ở cho những người mới đến.
Tôi hy vọng gia đình anh Siu A Nem, đặc biệt những đứa bé trong nhà này, có thể hội nhập và sống quen ở Quebec trong những ngày tới. Đương nhiên đối với những người chân ướt chân ráo tới Canada, phương chi những người miền núi, thì khó khăn trước mắt là điều hiển nhiên
Nhưng như quí vị biết, Canada có những vùng nói tiếng Pháp như Quebec này, và những vùng nói tiếng Anh rộng lớn trên toàn quốc. Nếu không cảm thấy phù hợp và thích thú sống ở đây thì anh Siu A Nem có thể xin đi một nơi nào khác nói tiếng Anh chẳng hạn. Nên nhớ Canada là đất nước tự do và quí trọng người dân của mình.
Những kỷ niệm khó quên
Được hỏi cảm tưởng khi sang định cư tại Canada, anh Siu A Nem cho biết:
Ở Việt Nam sống rất phức tạp, qua Thái Lan cũng không biết làm thế nào, rất khó khăn, có giấy Cao Ủy nhưng đi làm cũng khó mà lúc đó thì con còn nhỏ, em thì đau ốm mà không biết làm. Có cộng đồng hải ngoại họ giúp đỡ tiền bạc này nọ và mua gạo hoặc mua mì tôm để giúp đỡ các anh em montagnards đó. Lúc đó cũng gặp cô Huệ đến thăm các anh em người sắc tộc mình nũa. Cô Huệ xuống thăm cho thuốc men, tiền bạc.
Đi Mỹ là IOM báo cho ngày 22 tháng Bảy, cô Huệ có kêu gọi cộng đồng hải ngoại giúp đỡ tiền bạc, tới Canada là ngày 23. Đến đây thì có cộng đồng hải ngoại họ giúp, ông René Bilodeau giúp đỡ cho em. Họ lo cho nhà cửa, bây giờ đang ở Quebec nè.
Lúc đó Siu A Nem đã được qui chế tị nạn của Cao Ủy Tị Nạn LHQ cho nên lúc được Canada chấp nhận cho đi định cư ở Canada thì số tiền 2000USD là để đóng phạt di trú cho chính quyền Thái Lan. Gia đình Siu A Nem nhập cảnh bất hợp pháp do đó phải đóng phạtcô Huệ
Tưởng cần nhắc vào năm 2008, tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai, khoảng 300 người Thượng theo đạo Tin Lành ở đây tổ chức biểu tình đòi công an trả tự do cho những người sắc tộc đang bị giam giữ vì đòi tự do thờ phượng, chống lệnh bỏ đạo do công an áp đặt, đồng thời đòi lại đất bị trưng thu. Khi đó, anh Siu A Nem là tín đồ Tin Lành đã bị bắt và bị tuyên án 2 năm 6 tháng tù về tội phá hoại trật tự xã hội.
Sau khi mãn hạn tù, anh Siu A Nem mang vợ con chạy khỏi vùng Tây Nguyên, đến Thái Lan và được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok cấp qui chế tị nạn.
Trong suốt 4 năm ở Thái Lan, năm 2013 Siu A Nem bị cảnh sát Thái Lan bắt giam 3 tháng tại IDC Trung Tâm Giam Giữ Quốc Tế ở Bangkok vì tội nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp. Do đã có giấy của UNHCR Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc công nhận diện tị nạn chính trị, cộng thêm sự vận động của BPSOS ở Hoa Kỳ, anh Siu A Nem được trả tự do sau khi đã đóng một số tiền phạt.
Kịp đến khi được Canada chấp thuận cho định cư, và cũng chiếu theo luật Thái Lan, gia đình Siu A Nem phải trở vào IDC, đóng một số tiền phạt vạ nữa trước khi được cảnh sát dẫn độ ra phi trường để rời khỏi nước Thái.
Đây là lúc những người Việt trong Friends Of BPSOS lên tiếng kêu gọi người Việt hảo tâm ở hải ngoại giúp gia đình Siu A Nem số tiền 2000 đô la để nộp phạt cho Bangkok trước khi đi Canada. Từ California, cô Huệ, người mà anh Siu A Nem đã nhắc tới trong lời cảm ơn khi nói chuyện với Thanh Trúc, cho biết cô làm việc này vì từng qua Thái Lan, chứng kiến hoàn cảnh cơ cực của anh Siu A Nem nói riêng cũng như những người Việt chạy qua Thái Lan tị nạn lâu nay:
Khoảng tháng Mười Hai năm 2012 Huệ có đại diện BPSOS qua Thái Lan giúp đỡ người tị nạn, dịp đó Huệ đã gặp gỡ anh Siu A Nem cùng những người tị nạn khác. Lúc đó Siu A Nem đã được qui chế tị nạn của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho nên lúc được Canada chấp nhận cho đi định cư ở Canada thì số tiền 2000USD là để đóng phạt di trú cho chính quyền Thái Lan. Gia đình Siu A Nem nhập cảnh bất hợp pháp do đó phải đóng phạt.
Khi Siu A Nem gởi thư sang cầu cứu, , nói là mượn chứ không phải là xin, gần 2000 đô la đóng phạt để đi Canada càng sớm càng tốt, thấy hoàn cảnh Siu A Nem quá khổ thành ra Huệ lên Internet gây quĩ để giúp Siu A Nem. Trong vòng hai ngày đã có đài SBS ở bên Úc, một số đồng bào ở Canad, bạn bè của Huệ, bạn bè của BPSOS và tất nhiên đồng bào ở Mỹ cũng đã đóng góp. Trong vòng hai ngày không những là Huệ được đủ 2000 để giúp Siu A Nem mà Huệ còn dư được hai ngàn hơn nữa để giúp cho những gia đình Việt Nam kế tiếp sẽ được đi định cư ở Mỹ. Đó là điều quá sức trông đợi của Huệ. .
Trở lại với người Thượng định cư tại Canada, số liệu của Sáng Hội Người Miền Núi Việt Nam tại Montreal cho thấy ngoài 55 người Thượng ở Quebec kể cả gia đình Sui A Nem, bên Toronto có 60 người và Vancouver là nơi đông người Thượng nhất với 1500.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng, Thanh Trúc hẹn tái ngộ các bạn sáng thứ Sáu tuần tới.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
No comments:
Post a Comment