Thanh Phương - rfi
Trong bản Báo cáo Tình hình Buôn người năm 2014, vừa được công bố ngày 20/06/2014, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào Danh sách loại 2 ( TIER 2 ), vì chính phủ Việt Nam bị xem là « chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người. »
Hãng tin AFP ngày 26/06 vừa qua đã có một bài nói về nạn buôn phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc để làm vợ, nhằm đáp ứng nhu cầu của một quốc gia mà chính sách một con đã dẫn đến tình trạng trai thừa gái thiếu một cách trầm trọng, khiến nhiều đàn ông không kiếm được vợ. Rất nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục là nạn nhân của những đường dây buôn người, nhắm vào những cộng đồng dân cư nghèo ở các tỉnh miền núi giáp biên giới Việt Trung.
AFP nêu trường hợp của một cô gái 16 tuổi, với tên được đổi là Kiab để giấu danh tính của cô. Kiab đã bị chính người anh ruột lừa bán làm vợ cho một người Trung Quốc. Sau khi sống một tháng trong « gia đình chồng », Kiab đã trốn thoát được. Cảnh sát Trung Quốc đã gởi trả Kiab về Việt Nam và hiện nay cô sống cùng với khoảng 10 phụ nữ khác trong một trại ở Lào Cai, do Nhà nước lập ra cho những nạn nhân của các đường dây buôn phụ nữ.
Theo số liệu thống kê của chính quyền Việt Nam, trong năm 2013 đã có gần 1000 phụ nữ là nạn nhân của các đường dây này, trong đó 70% là đưa sang Trung Quốc. Theo lời ông Michael Brosowski, thuộc tổ chức Blue Dragon Children ( đã giải cứu 71 phụ nữ ở Việt Nam từ năm 2007 ), các phụ nữ này bị bán với giá có thể lên tới 5000 đôla để làm vợ hoặc bán vào các ổ mãi dâm.
Trong bản Báo cáo Tình hình Buôn người năm 2014, vừa được công bố ngày 20/06/2014, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào Danh sách loại 2 ( TIER 2 ), vì chính phủ Việt Nam bị xem là « chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người. »
Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng Việt Nam là quốc gia xuất phát của nhiều nam giới, phụ nữ và trẻ em bị mua bán vì mục đích tình dục hoặc bị cưỡng ép lao động trong nước và nước ngoài. Việt Nam là quốc gia có nhiều nam giới và phụ nữ di cư ra nước ngoài lao động thông qua con đường tự túc hoặc thông qua các công ty xuất khẩu lao động nhà nước, tư nhân và cổ phần.
Sau đó, một số người đã bị cưỡng ép lao động trong các ngành xây dựng, đánh bắt thuỷ sản, nông nghiệp, khai thác mỏ, khai thác gỗ, chế tạo, và một số ngành khác, chủ yếu tại Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Nhật Bản, và ở mức độ thấp hơn là tại Trung Quốc, Thái Lan, Cambốt, Indonesia, Anh, Cộng hoà Séc, Đảo Síp, Pháp, Thuỵ Điển, Trinidad và Tobago, Costa Rica, Nga, Ba Lan, Ukraina, Libya, Ả Rập Xêút, Jordani và một số quốc gia khác ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi.
Cũng theo báo cáo Tình hình buôn nguời 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ nữ và trẻ em Việt Nam tiếp tục bị bán sang các nước ở châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục, đặc biệt là Trung Quốc, Cam Bốt, Malaysia, và Nga. Nhiều nạn nhân người Việt của việc buôn bán tình dục cũng đã được tìm thấy ở Ghana. Một số phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Singapore hay Hàn Quốc để thành hôn với người nước ngoài thông qua môi giới, sau đó đã bị cưỡng ép phục vụ trong gia đình, hành nghề mại dâm, hoặc cả hai.
Bảo cáo nhắc lại rằng, « làm công trừ nợ, thu giữ hộ chiếu, và dọa nạt bị trục xuất là những thủ đoạn thường được dùng để bắt các nạn nhân Việt Nam phải phục vụ ». Các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam và Trung Quốc đã đưa những người dân Việt Nam, chủ yếu là trẻ em, sang Vương quốc Anh và Đan Mạch, buộc họ làm việc trong các trang trại trồng cần sa.
Các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, hầu hết là các đơn vị thành viên của các công ty nhà nước, và các nhà môi giới lao động trung gian không có giấy phép hoạt động, đôi khi đã bắt người lao động phải đóng những khoản phí vượt quá mức quy định của pháp luật để được đi xuất khẩu lao động. Kết quả là người lao động Việt Nam phải gánh chịu những khoản nợ cao nhất trong số những lao động người châu Á, và họ rất dễ rơi vào cảnh bị cưỡng ép lao động, bao gồm việc phải làm công trừ nợ.
Sau khi đến nước tiếp nhận lao động, một số người mới nhận ra rằng họ bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tàn, được trả lương rất ít hoặc không được trả lương, bất chấp những khoản nợ đang đè nặng trên vai, cũng như không được tiếp cận với kênh trợ giúp pháp lý đáng tin cậy nào.
Theo bộ Ngoại giao Mỹ, báo cáo của các tổ chức phi chính phủ và của chính phủ cho thấy những kẻ buôn người ngày càng nhắm đến các nạn nhân ở những vùng sâu vùng xa, là nơi mà mức độ nhận thức của người dân và chính quyền về nạn buôn người còn thấp. Các tổ chức phi chính phủ cho biết các đối tượng mua bán người đang tăng cường sử dụng Internet để dụ dỗ các nạn nhân, dẫn đến số lượng những người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu ở thành thị trở thành nạn nhân của những vụ mua bán người cũng ngày càng tăng.
Theo cuộc khảo sát năm 2012 do tổ chức UNICEF tài trợ về vấn đề bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại, Việt Nam là điểm đến của du lịch tình dục trẻ em, mà những kẻ mua dâm chủ yếu là những người đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Anh, Úc, Châu Âu và Hoa Kỳ.
Xuất phát từ những thực tế nói trên, báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một số khuyến nghị với chính phủ Việt Nam, mà đầu tiên là phải sử dụng các quy định trong luật mới về Phòng chống Mua bán người để « kiên quyết » truy tố tất cả các hình thức mua bán người và kết án và xử phạt những kẻ buôn người, đặc biệt trong những vụ cưỡng bức lao động.
Trả lời phỏng vấn RFI về bản báo cáo nói trên, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành tổ chức BPSOS, tại bang Virginia, Hoa Kỳ, cho rằng lẽ ra bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải xếp Việt Nam ở thứ bậc thấp hơn, tức là hạng 3, thay vì hạng 2, vì, theo ông, chính phủ Hà Nội chưa thật sự quyết tâm bài trừ tệ nạn buôn người, thậm chí đứng đằng sau nhiều vụ buôn người. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với ông Nguyễn Đình Thắng:
Việt Nam cần phải bị warning và trừng phạt vì tệ nạn buôn người!
ReplyDelete