TRÀ VINH (NV) - Nhà cầm quyền tỉnh Trà Vinh vừa cho phép công ty China Chengda Engineering của Trung Quốc, đưa hơn 2,100 nhân viên từ Trung Quốc đến làm việc tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.
Bà Sơn Thị Ánh Hồng, một phó chủ tịch tỉnh Trà Vinh giải thích, sở dĩ họ cho công ty này làm như vậy là vì “không tuyển được lao động người Việt Nam.”
Công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 sắp mở cửa đón thêm 2,100 công nhân Trung Quốc. (Hình: Ðất Việt)
Ông Dương Quang Ngọc, một phó giám đốc của Sở Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội tỉnh Trà Vinh thì khẳng định, công ty China Chengda Engineering đã chuyển thông tin tuyển dụng lao động cho sở này, cũng như Phòng Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội các huyện và các trung tâm giới thiệu việc làm ở Trà Vinh nhưng vì nhu cầu tuyển dụng của công ty China Chengda Engineering là lao động có chuyên môn, nên tại Trà Vinh, có rất ít người nộp hồ sơ xin dự tuyển hoặc sau khi gửi hồ sơ không đến dự phỏng vấn tuyển dụng.
Khi tờ Tuổi Trẻ chất vấn tại sao không thông báo rộng rãi trên toàn quốc về việc công ty China Chengda Engineering cần 2,100 lao động có chuyên môn, viên phó giám đốc này bảo rằng, chính quyền Trà Vinh chỉ có trách nhiệm thông báo trên toàn tỉnh.
Trong khi đó đầu tháng này, Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam loan báo, hiện có hơn 162 ngàn người mà học vấn từ đại học trở lên thất nghiệp. Chưa kể còn có khoảng 80 ngàn thanh niên mà học vấn ở mức cao đẳng và 174 ngàn thanh niên đã được đạo tạo nghề bị thất nghiệp.
Trước thông tin vừa kể, ông Trần Ðình Long, phó chủ tịch Hội Ðiện Lực Việt Nam, khẳng định, chuyện này chắc chắn là chủ đích từ chủ đầu tư và là hệ quả của việc phụ thuộc quá nhiều vào vốn của Trung Quốc. Chủ đầu tư của công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 là Tập đoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN).
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 là một trong ba nhà máy của trung tâm điện lực Duyên Hải, thuộc Quy Hoạch Phát Triển Ðiện Lực Quốc Gia giai đoạn 2011-2020.
Tổng vốn đầu tư cho công trình khoảng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó, giá trị của gói thầu EPC (NV: Engineering, Procurement and Construction contract - Hợp đồng tổng thầu, loại hợp đồng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công và chạy thử rồi mới bàn giao cho chủ đầu tư) là 22 ngàn tỷ và 85% vay của ba ngân hàng Trung Quốc. Tập đoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) chỉ góp 15%.
Ngoài việc phụ thuộc Trung Quốc về vốn, công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 còn phụ thuộc Trung Quốc về nhà thầu. Công trình này do một liên doanh mà phần lớn là nhà thầu Trung Quốc đảm nhận vai trò tổng thầu EPC. Phía EVN chỉ giữ vai trò giám sát thi công. Ông Long bảo rằng sẽ chẳng lạ gì nếu phía tuyển dụng đề ra những tiêu chuẩn mà người Việt không đáp ứng được hoặc loại những người Việt nộp đơn xin việc khi phỏng vấn tuyển dụng.
Trò chuyện với tờ Ðất Việt, ông Phạm Sỹ Liêm, cựu thứ trưởng của Bộ Xây Dựng, cũng tin rằng, vấn đề nằm ở chỗ “không muốn sử dụng lao động người Việt Nam.” Theo ông Liêm, yếu tố “không muốn sử dụng lao động người Việt Nam” còn nằm cả trong việc chọn nhà thầu phụ, chọn nguyên, vật liệu. Tổng công ty lắp máy Việt Nam không được thuê. Các kết cấu kim loại dành cho nhà máy nhiệt điện như: lò, khung,... doanh nghiệp Việt Nam đều có thể làm được nhưng tất cả đều được đặt gia công ở Trung Quốc và các doanh nghiệp, công nhân Việt Nam “treo niêu.”
Có một thực tế mà cả ông Trần Ðình Long, phó chủ tịch Hội Ðiện Lực Việt Nam, lẫn ông Phạm Sỹ Liêm, cựu thứ trưởng của Bộ Xây Dựng cùng đề cập là Việt Nam đã từng xây dựng rất nhiều nhà máy nhiệt điện, điều đó cho thấy người Việt có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong một công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện.
Thế thì tại sao phải cho phép tuyển công nhân Trung Quốc sang làm việc tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3? (G.Ð)
No comments:
Post a Comment