SÀI GÒN (NV) - Kế hoạch đầu tư “100 tàu đánh cá vỏ thép, 2 trực thăng” mà báo chí CSVN ca ngợi hết lời, có thể không nhằm “bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền” mà để vay hàng ngàn tỉ.
Kế hoạch vừa kể là của ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch tập đoàn Ðức Khải. Theo đó, tập đoàn Ðức Khải sẽ đầu tư 1,500 tỷ đồng (tương đương 68 triệu Mỹ kim) để mua 100 tàu đánh cá vỏ thép của ngoại quốc, có công suất 500-1,500 mã lực, hai trực thăng, hai ụ nổi để “cùng ngư dân bám biển.”
Một trong những chiếc tàu đánh cá mà ông Phạm Ngọc Lâm cho biết đã mua và sẽ về đến Việt Nam vào cuối tháng tới. (Hình: Dân Trí)
Trong bối cảnh có sự chênh lệch lớn cả về số lượng lẫn kích thước của tàu đánh cá Việt Nam, so với tàu đánh cá của Trung Quốc trên biển Ðông, nhiều tờ báo ở Việt Nam đã tung hô ông Lâm như một doanh nhân, vừa nặng lòng với tiền đồ tổ quốc, vừa có viễn kiến.
Khi trình bày kế hoạch này, ông Lâm cho biết, 100 tàu đánh cá mà tập đoàn Ðức Khải đầu tư là tàu đánh cá cũ, mua lại từ Úc, Nam Hàn, Nhật. Sở dĩ tập đoàn này mua tàu cũ vì không muốn chờ đợi như thuê đóng tàu mới.
Theo dự kiến, 45 trên tổng số 100 chiếc tàu cũ sẽ về đến Việt Nam vào khoảng cuối tháng 8, 2014. Ðến cuối tháng 11 năm nay, tập đoàn này sẽ hoàn tất việc mua sắm 100 tàu và đầu năm 2015, đội tàu của tập đoàn Ðức Khải sẽ ra khơi.
Ðiểm mắc mứu duy nhất được ông Lâm trình bày với báo giới khi công bố kế hoạch vừa kể là luật pháp hiện hành của Việt Nam không cho nhập cảng tàu vỏ sắt đã quá 8 tuổi. Tuy nhiên có vẻ như mắc mứu này đã được giải tỏa.
Trái với sự hào hứng của báo giới, ông Trần Cao Mưu, cựu giám đốc Sở Thủy Sản Nghệ An nay là tổng thư ký Hội Nghề Cá Việt Nam, cảnh báo qua tờ Giáo Dục, việc mua lại tàu cũ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro (tiêu hao nhiều năng lượng, chi phí bảo dưỡng cao, phụ tùng thay thế khó tìm lại không rẻ, nguy hiểm cho môi trường). Chưa kể giá trị con tàu ở cả khía cạnh sử dụng hay trao đổi mua bán đều thấp.
Những cuộc trò chuyện sau đó của một vài tờ báo thận trọng với kế hoạch của ông Phạm Ngọc Lâm đã làm bật ra nhiều tình tiết đáng chú ý. Ðó là tập đoàn Ðức Khải chỉ có chừng 450 tỉ (30% tổng vốn đầu tư), bao gồm việc “huy động một phần từ cổ đông.” Số 1,050 tỉ còn lại (70% tổng vốn đầu tư), trông vào nguồn vốn dành cho việc phát triển kinh tế biển của nhà cầm quyền CSVN, với lãi suất ưu đãi là 3%.
Ông Phạm Ngọc Lâm, cư trú tại Sài Gòn vốn là một người nổi tiếng từ thập niên 1990. Lúc đó, ông bị phạt hai án chung thân vì buôn lậu và đưa hối lộ. Kế đến là, tuy lãnh hai án chung thân nhưng ông được ân xá sớm. Sau đó trở nên rất thành đạt với tập đoàn Ðức Khải chuyên kinh doanh bất động sản và vật liệu xây dựng.
Có lẽ cũng cần nhắc qua về những kế hoạch phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân của chế độ Hà Nội. Cư xử giống như đối với nông dân, thỉnh thoảng, CSVN lại công bố những kế hoạch hỗ trợ ngư dân.
Trong thực tế, gần như ngư dân không được hưởng gì từ các chính sách được xem là nhằm hỗ trợ họ. Dù thường xuyên được nghe các hứa hẹn hỗ trợ, song ngư dân Việt Nam luôn phải tự lực cánh sinh. Họ phải tự vay nóng, trả lãi cao để có vốn thực hiện các chuyến đi biển. Nếu gặp nhân tai (tàu thuộc lực lượng vũ trang của Trung Quốc), hoặc thiên tai (gió bão), chủ tàu phá sản.
Từ khi tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông trở thành căng thẳng, chế độ Hà Nội công bố các kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế biển, hỗ trợ đổi 3,000 tàu trên tổng số 130,000 tàu đánh cá từ vỏ gỗ, sang vỏ sắt.
Tuy nhiên cả ngư dân lẫn các chuyên gia cùng công khai bày tỏ sự nghi ngại về tính hiệu quả của những kế hoạch như thế. Chẳng hạn, chi phí đóng tàu vỏ sắt quá lớn, tuy được vay vốn với lãi suất thấp nhưng họ vẫn phải trả. Ngoài ra tàu vỏ sắt phải bảo dưỡng thường xuyên, việc bảo dưỡng không dễ dàng, không phải nơi nào làm cũng được.
Chưa kể các mẫu tàu do SBIC (Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy SBIC - hậu thân của Vinashin, một tập đoàn quốc doanh đã bị giải thể sau khi tạo ra khoản nợ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng) không phù hợp với nhu cầu của ngư dân.
Chẳng phải hiện nay mà trong quá khứ, các chính sách hỗ trợ ngư dân luôn là cơ hội cho viên chức nhiều cấp, nhiều ngành đục khoét. Năm 1997, nhà cầm quyền CSVN thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ.” Chương trình này ra đời sau trận bão thứ 5 của năm 1996, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngư dân và ngư nghiệp Việt Nam.
Ðến tháng 4 năm 2006, sau khi chương trình trình này ngốn hết 1,400 tỉ, kết quả thanh tra cho thấy, 95% của khoản 1,400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh-thành phố, quận-huyện, phường-xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình này đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.
Sau chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ,” cách nay vài năm, CSVN thực hiện một chương trình hỗ trợ khác cũng dành cho ngư dân. Ðó là “lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá.” Chương trình này đã thực hiện thí điểm với 2,000 tàu đánh cá và phóng sự của nhiều tờ báo cho thấy, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được chọn thí điểm đã yêu cầu được trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment