Friday, August 1, 2014

Bão sớm trên đất Bắc

Ngày 3-7, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ làm ngập hàng trăm ha hoa màu ở các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan (Chợ Gạo) và Đồng Sơn, Bình Nhì (Gò Công Tây)
Ngày 3-7, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ làm ngập hàng trăm ha hoa màu ở các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan (Chợ Gạo) và Đồng Sơn, Bình Nhì (Gò Công Tây)
Báo apbac.vn

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Năm nay, nông dân miền Bắc gặp nhiều khó khăn bởi bão xuất hiện sớm và tập trung ở một số tỉnh Tây Bắc, trong khi đó, các tỉnh đồng bằng phía Bắc có những trận mưa trái mùa khiến cho một số loại hoa màu bị hư hại nặng. Với người nông dân, trời nắng hạn cũng là một thứ tai ương nhưng đang nắng như thiêu như đốt nếu gặp mưa giông, mưa lớn cũng nguy hiểm chẳng kém gì. Nhất là trường hợp bão đến quá sớm, người nông dân chỉ còn biết nơm nớp lo sợ.
Bão sớm, kinh hãi những phần cứu trợ
Ông Chỉ, nông dân trồng dưa và các loại hoa màu ở Thanh Hóa, chia sẻ:”Rất là kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu nhưng mà bão tới sớm thì cảm thấy rất hụt hẫng và lo lắng một thứ gì đó lớn lao. Lo lắng vụ mùa thất thu vì mình phụ thuộc vào thời tiết, không biết nó như thế nào, có ảnh hưởng tới vụ mùa của mình không. Hơn nữa là kỳ vọng vào cứu trợ vì người Việt Nam lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, khi mà những cơn bão tới nó làm mình thất thu nhiều không còn chỗ nương tựa nữa thì mong có ai đó giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng mà đôi khi một số nguồn tài trợ, nói thì nói vậy nhưng lại không đến nơi, cảm giác hụt hẫng, mất niềm tin.”
Theo ông Chỉ, với người nông dân, chuyện nắng hạn là một thiệt thòi lớn, dẫn đến mùa màng thất thu, cây cối xơ xác, ao hồ, sông ngòi cạn kiệt, từ cây trồng cho đến vật nuôi đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thường thì trong những ngày nắng hạn, người nông dân chỉ mong một cơn mưa. Nhưng không ai mong những trận mưa đá hoặc những trận bão như vừa xãy ra ở miền Bắc.
Kỳ vọng vào cứu trợ vì người VN lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, khi mà những cơn bão tới nó làm mình thất thu nhiều không còn chỗ nương tựa nữa thì mong có ai đó giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng mà đôi khi một số nguồn tài trợ, nói thì nói vậy nhưng lại không đến nơi
Ông Chỉ, nông dân
Trong số những thiệt hại của nông dân mỗi khi có thiên tai lại có cả thiệt hại về tinh thần. Và yếu tố thiệt hại tinh thần này lại có hai khía cạnh: Thiệt hại tinh thần do thiên nhiên và thiệt hại tinh thần do xã hội. Nói thiệt hại tinh thần do thiên nhiên thì dễ hiểu, dễ nhận biết bởi sau thiên tai, lòng người hoang hoải, ruộng vườn tiêu điều, xác xơ, không có ai là không thấy mệt mỏi, buồn chán và tiếc nuối. Điều này tác động khá mạnh đến thế giới tinh thần của con người.
Trận lốc xoáy khiến nhiều hécta ngô vụ xuân của người dân Hương Khê đổ rạt hàng loạt
Trận lốc xoáy khiến nhiều hécta ngô vụ xuân của người dân Hương Khê đổ rạt hàng loạt
Nhưng dẫu sao thiệt hại tinh thần cũng không đáng kể so với thiệt hại bởi tác động xã hội sau thiên tai. Nghĩa là sau mỗi trận thiên tai, bão lũ, nhà nước thường có chương trình cứu trợ, các nhà từ thiện cũng tham gia cứu trợ theo cách của họ. Đương nhiên việc cứu trợ là một việc cao quí và có lợi cho những nông dân bị thiệt hại, nó thể hiện tình đồng loại với nhau lúc khốn đốn. Nhưng bên cạnh việc cứu trợi này, vẫn không thiếu những kẻ thừa nước đục thả câu, mượn hai chữ từ thiện để đánh bóng tên tuổi hoặc lợi dụng hai chữ này để thực hiện những ý đồ không tử tế.
Nhưng đó chỉ mới là chuyện nhỏ, chuyện đáng nói hơn là phần quà từ thiện của nhà nước. Phần này, xét về bản chất cũng không phải là của nhà nước mà là trích của chính nhân dân để cứu trợ nhân dân, bởi vì muốn cứu trợ, nhà nước buộc phải trích ngân quĩ, mà ngân quĩ thì do thuế của nhân dân đóng góp mà có. Lẽ ra đây phải là phần quà giàu tình cảm và có văn hóa nhất. Nhưng ngược lại, tình trạng cho quà cứu trợ ở Việt Nam là một thảm kịch đáng tủi hổ và nhục nhã. Bởi lẽ, chưa có năm nào mà phần quà cứu trợ không bị cắt xén một cách thê thảm, ở trên loa đài, báo chí thì nghe năm ba chục tỉ đồng. Nhưng xuống đến địa phương thì lèo tèo vài đồng. Nếu dân có hỏi thì cán bộ trả lời rằng do dân quá đông nên chia ra còn như vậy.
Ví dụ như xã ông đang ở có một ngàn mái nhà, tương đương với một ngàn hộ gia đình. Nếu huyện hoặc tỉnh rót về một tỉ đồng thì chia ra, mỗi nhà vẫn được một triệu đồng, không thể là vài gói mì tôm, vài ký gạo được
Ông Chỉ, nông dân
Để chứng mình mình nói không sai, ông Chỉ lấy ví dụ như xã ông đang ở có một ngàn mái nhà, tương đương với một ngàn hộ gia đình. Nếu huyện hoặc tỉnh rót về một tỉ đồng thì chia ra, mỗi nhà vẫn được một triệu đồng, không thể là vài gói mì tôm, vài ký gạo được. Nhưng thực tế cho thấy mọi khoản tiền cứu trợ đều bị chấm mút từ trung ương xuống địa phương, ở trung ương nó là một con voi nhưng đến gia đình người dân thì nó là một tí mùi để biết lấy thảo. Đây chính là nguyên nhân, tác động xã hội lớn nhất, khiến cho người nông dân trở nên hụt hẫng, thất vọng và buồn tủi cho thân phận chân lấm tay bùn của họ.
Một mùa mưa đang tới
Bà Lại, nông dân ở Lào Cai, chia sẻ:”Bão năm nay đến sớm quá, mình đâu có chuẩn bị kịp đâu, nó cứ cà quần cà quần… rau màu bây giờ còn nằm đầy ở ngoài giòng ra đấy. Giờ phải làm sao bây giờ? Rồi ao cá nhà tôi cũng vậy, rồi không chừng nó lũ một trận là…!”
Theo bà Lại, mùa mưa năm nay tuy không có dấu hiệu tới sớm hơn so với mọi năm bởi mùa Thu vẫn chưa sang nhưng không hiểu sao cảm giác bất an của nhà nông lại dấy lên rất sớm trong bà. Bão đến sớm, điều đó khác thường so với mọi năm. Thường thì ít nhất cũng tháng Bảy âm lịch, bão mới bắt đầu quăng quật. Nhưng năm nay, vừa chớm tháng Sáu âm lịch, bão đã hoành hành, lũ quét, sạt lở đất đã làm chết người. Không còn gì đáng sợ hơn thời tiết kiểu này.
Và một khi bão đến sớm, lịch gieo sạ của bà con nông dân vẫn giữ như mọi năm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là yếu tố tâm lý, mọi người vẫn chưa hề chuẩn bị để tránh bão hoặc chống lũ, người ta vẫn còn ở trạng thái yên tâm cày sâu cuốc bẫm để kiếm chén cơm phòng ngày mưa gió không có cái để ăn. Nhất là với bà con miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đa phần kinh tế của họ chỉ dựa trên đám ruộng bậc thang, hái lượm trong rừng và vài con heo thả trong vườn, dưới sàn nhà.
Nhưng khi bão đến bất ngờ, lũ quét kéo đến, những ngôi nhà nằm ở triền đồi sẽ là miếng mồi đầu tiên của lũ quét, lũ ống, những căn nhà nằm chơi vơi trên các đỉnh đồi sẽ là miếng ngon của bão và những đám ruộng bậc thang trở thành những cái túi nước để trút dần xuống thung lũng. Sinh mệnh của bà con đồng bào thiểu số bị đe dọa nặng nề, nếu có sống sót chăng nữa thì cũng không có gì để ăn qua ngày, lại phải chờ đến cứu trợ, lại phải ngửa tay nhận cứu trợ như kẻ ăn mày. Thảm kịch do thiên tai gây ra là không có gì để bàn luận thêm!
Bà Lại cho biết thêm là trận bão vừa rồi gây thiệt hại không nhỏ cho gia đình bà cũng như bà con trong làng của bà. Chỉ tính sơ qua, bà mất hết hai sào bắp cải và một sào dưa chuột, đó là chưa nói đến ao cá, heo gà bị ảnh hưởng. Những gia đình khác cũng bị thiệt hại nặng nề về tài sản vì không có ai chuẩn bị kịp để đối phó với lũ quét, đa phần chỉ chuẩn bị chống bão một cách sơ sài. Nhưng cũng rất may là chưa có người chết như những địa phương khác.
Chuyện mưa bão chỉ mới bắt đầu khởi sự ở miền Bắc, nhưng nghe ra mức độ thiệt hại của nó cũng khác thường và ghê gớm hơn so với mọi năm. Nhất là vấn đề khắc phục hậu quả thiên tai trong tình hình kinh tế eo hẹp, đất nước đang bị ngoại bang nhòm ngó.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

No comments:

Post a Comment