BBC - Lãnh đạo Hồi giáo của nhà thờ
lớn nhất Trung Quốc – đặt tại thành phố Kashgar, Tân Cương – bị sát hại
trong một vụ được cho là ám sát có chủ đích.
Ông Jume Tahir, 74 tuổi, bị đâm sau khi dẫn dắt buổi cầu nguyện sáng sớm ở nhà thờ Hồi giáo Id Kah hôm thứ Tư 30/07.
Vụ giết hại xảy ra chỉ hai ngày sau khi hơn mười người bị giết hoặc bị thương trong vụ đụng độ với cảnh sát ở hạt Yarkant, trong cùng khu vực.
Nguyên nhân gây ra cái chết của ông vẫn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên phóng viên Damian Grammaticas của BBC ở Bắc Kinh nói ông Tahir, đến từ vùng dân tộc thiểu số người Uihgur Hồi giáo, là người công khai ủng hộ và vận động cho chính sách của Trung Quốc.
Người ta nhanh chóng thực hiện chôn cất ông vào buổi chiều muộn và lễ an táng được cảnh sát và quân đội canh gác cẩn mật, theo Los Angeles Times.
Không lâu sau cái chết của ông, cảnh sát chặn các con phố dẫn vào và ra Kashgar và cắt internet cũng như đường dây thông tin tới các vùng khác ở Trung Quốc. Lệnh cấm sau đó đã được gỡ bỏ.
Ông Tahir được Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ định làm lãnh tụ Hồi giáo của nhà thờ 600 năm tuổi này.
Một số người nói ông không được cộng đồng Uighur ưa thích do ông khen ngợi các chính sách của Đảng trong lúc giảng đạo tại nhà thờ.
Ông cũng nhắc lại những lời lẽ của chính quyền đổ lỗi các vụ bạo lực ngày càng tăng ở Tân Cương lên các phần tử cực đoan và ly khai, phóng viên của chúng tôi nói.
Nhưng các nhà hoạt động phủ nhận thông tin này và nói người địa phương Uighur lúc đó biểu tình phản đối đàn áp người dân thực hành lễ Ramadan kết thúc vào hôm thứ Hai.
Hồi đầu tháng rộ lên nhiều thông tin về việc một số cơ quan nhà nước ở Tân Cương cấm nhân viên người Hồi giáo ăn kiêng trong tháng lễ Ramadan, và nhiều sinh viên cũng nói với BBC rằng họ bị ép phải ăn với các giáo viên.
Chính quyền đổ lỗi cho loạt bạo lực liên tiếp xảy ra ở Tân Cương lên những người Uighur ly khai.
Hồi tháng Năm, ít nhất 31 người chết khi hai chiếc xe đâm vào khu chợ ở Urumqi và gây nổ.
Tháng Ba xảy ra vụ đâm chém nhiều người ở ga tàu Côn Minh làm 29 người thiệt mạng.
Đáp trả, chính quyền Trung Quốc thực thi chiến dịch kéo dài một năm trong đó bao gồm tăng cường sự hiện diện của cảnh sát và quân đội tại các thành phố và thị trấn chính ở Tân Cương.
No comments:
Post a Comment