Ngày 6/10, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của 26 bị hại trong vụ án Trần Thị Thu Hằng (48 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hơn 10 người vắng mặt, nhưng trước đó họ cùng ký trong đơn kháng cáo với nội dung không chấp thuận kết luận điều tra và yêu cầu hủy bản án sơ thẩm.
Bản án sơ thẩm đầu năm 2014 của TAND Hà Nội thể hiện dù đã nghỉ việc, Hằng vẫn rêu rao mình là kế toán trưởng của Xí nghiệp địa chất và xây dựng (thuộc Công ty khoáng chất công nghiệp và cơ khí mỏ), biết nhiều "ông lớn" để lừa đảo huy động vốn, trả lãi cao.
Để tạo tin tưởng, Hằng viết giấy biên nhận khi thu tiền và sử dụng phiếu thu của công ty, giả chữ ký của sếp cũ lừa số tiền hơn 25 tỷ đồng của 26 bị hại. Trong số bị hại của Hằng, có nhiều người là họ hàng thân quen.
Hằng bị tuyên án chung thân và buộc phải bồi hoàn lại số tiền đã chiếm đoạt.
Bị cáo Hằng tại tòa ngày 6/10.
Theo đơn của các bị hại, đến khi ra đầu thú, Hằng không còn chút tài sản nào. Nạn nhân đặt câu hỏi, trong suốt một năm điều tra, nhà chức trách không làm rõ Hằng tiêu tiền vào việc mua nhà đất, ôtô như thế nào. Liệu có cá nhân hay cơ quan nào tiếp tay cho Hằng tẩu tán tài sản hay không?
Tại tòa sáng nay, ông Phạm Quang Hoạt (thay mặt các bị hại) cho rằng kết luận của cơ quan điều tra là chung chung và hầu như chỉ dựa vào lời khai của Hằng.
"Kết luận điều tra nêu 10 tỷ bị cáo mua bất động sản nhưng lại không chỉ được mua ở đâu, như nào; 300 triệu mua chứng khoán nhưng mua ở sàn nào? thời điểm nào? lỗ lãi ra sau cũng không được thể hiện…", ông Hoạt bức xúc.
Còn một bị hại khác giận giữ khi nói: "Bị cáo đi tù bao năm cũng được nhưng ít nhiều phải trả lại cho chúng tôi. Tiền trên là mồ hôi công sức, biết bao cơ cực chúng tôi mới có được".
Bị truy về mục đích sử dụng số tiền phạm pháp, bị cáo 48 tuổi khai nhận trước khi ra đầu thú đã bán hết bất động sản để trả lãi vay ngân hàng.
Do các bị hại không chứng minh được Hằng còn "găm" những tài sản có giá trị nên cấp phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm.
Kết thúc phiên xét xử, vị chủ tọa tận tình hướng dẫn những người bị hại nếu phát hiện cơ quan điều tra sai sót có quyền khiến nại theo Bộ luật tố tụng hình sự.
Tòa án sử cũng như không ! Họ chỉ sử để thu án phí là chính, còn những người bị hại thì họ bỏ mặc muốn ra sao thì ra ?
ReplyDelete