Thanh Trúc, phóng viên RFA
Tốc độ tăng nhanh
Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam, nói khác hơn là mất cân bằng giới tính khi sinh, đã gia tăng nhanh chóng và đang là vấn đề cần được quan tâm hầu tìm cách giảm thiểu.
Tại cuộc mít-tinh ở Hà Nội vào ngày 28 tháng 9 năm 2014, với chủ đề “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh” trưởng đại diện UNFPA Quĩ dân số Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam, ông Arthur Erken, khuyến cáo rằng dù tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra muộn hơn so với các nước Châu Á khác nhưng tốc độ gia tăng của nó thì rất nhanh.
Đây là một hoạt động chuẩn bị nằm trong khuôn khổ của chiến dịch giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhân “Ngày Quốc tế trẻ em gái” sẽ diễn ra ngày 11 tháng này, do Quĩ dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức phối hợp cùng Hội Nông dân Việt Nam.
Từ Hà Nội, tiến sĩ Vương Thị Hanh, giám đốc Trung tâm Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ, giải thích:
“Việc sinh con trai con gái không phải một bề do phụ nữ mà phải có cả hai người. Xu hướng đẻ con trai thì đúng là ở khu vực nông thôn nó tồn tại nhiều hơn ở thành thị. Lý do phối hợp với Hội Nông dân vì đối tượng không phải chỉ có phụ nữ nông dân mà nam nông dân cũng nhiều. Phối hợp để mà tăng cường nhận thức của cả nam và nữ, đứa bé sinh ra thì không phải mỗi mình nữ được mà nó bị ảnh hưởng của chồng trao đổi với vợ trong quyết định sinh con, thì với Hội Nông dân tức là được cả hai đối tượng, tăng nhận thức cho cả nữ và cả nam.”
Việc sinh con trai con gái không phải một bề do phụ nữ mà phải có cả hai người. Xu hướng đẻ con trai thì đúng là ở khu vực nông thôn nó tồn tại nhiều hơn ở thành thị.-TS Vương Thị Hạnh
Bà Huyền, cư ngụ ở ngoại vi Hà Nội, đã đến tham dự buổi mít tính hôm 28 tháng 9, nói bà đồng ý với nhận định của trưởng đại diện Quĩ Dân số Liên Hiệp Quốc là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang tăng nhanh:
“Đàn ông Việt Nam người ta chuộng con trai hơn con gái thế nên mất cân bằng nhanh là đúng. Bảy tuần là đã biết giới tính của con mình trong bụng là trai hay gái rồi, con trai người ta để mà con gái người ta bỏ. Mình có thể đến bất kỳ đâu mình có thể siêu âm để biết mình đang mang thai con trai hay con gái mặc dù đã có quyết định cấm.”
Vẫn theo lời ông Arthur Erken đại diện Quĩ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, việc lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn nữa do quan niệm gia trưởng trong gia đình, nhất là gia đình Việt Nam với đàn ông là trụ cột, trong lúc người đàn bà không có quyền tự chủ về mặt tài chính và xã hội.
Hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là đến năm 2050 thì Việt Nam lâm cảnh trai thừa gái thiếu, có nghĩa là 2 triệu 300 ngàn đến 4 triệu 300 ngàn người nam lúc ấy không tìm được đối tượng nữ để lập gia đình.
Theo tiến sĩ Vương Thị Hạnh, đặt nặng việc sinh con trai là tâm lý khó bỏ của người Việt Nam:
“Trong quá trình có thai là họ bắt đầu siêu âm, và khi thấy thai là con gái thì họ tìm cách họ bỏ. Bây giờ nhà nước cũng đã đưa ra một chính sách là cấm trong quá trình mang thai là cấm các bác sĩ các bệnh viện cho kiểu là khám hoặc siêu âm để biết thai nhi là nữ hay nam. Thì công khai có nói là cấn chuyện đó nhưng mà họ vẫn có cách họ làm.
Còn gia tăng rất nhanh là có đấy, ví dụ 110 nam trên 100 nữ, có nơi có thể lên tới 120 bé nam thì mới có được 100 bé nữ. Như vậy bây giờ có phải nó thành hiện tượng gia tăng một cách đồng loạt một cách phổ biến không thì cũng không khẳng định được bởi thực tế phải có số liệu được biết thì mới nói được là mất cân bằng giới tính.”
Hệ lụy xã hội
Vẫn theo khuyến cáo của Quĩ Dân số Liên Hiệp Quốc, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy xã hội và áp lực nghiêm trọng mà người nữ phải chịu đựng. Thứ nhất là áp lực buộc những em gái nhỏ phải bỏ học sớm để lập gia đình. Thứ hai, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em có thể vì thế mà tăng cao và thứ ba là những hình thức bạo lực hoặc bạo hành gia đình đối với phụ nữ cũng như các em gái cũng tăng lên.
Dưới mắt phân tích của tiến sĩ Vương Thị Hạnh thuộc Trung tâm Hỗ trợ và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ, mọi chuyện không hoàn toàn như thế. Tệ nạn buôn bán phụ nữ lúc nào cũng có thể xảy ra, bà nói, bạo lực gia đình luôn là một vấn nạn xã hội , nhưng còn một điểm khác là xu hướng hiện đại cũng như tương lai của các phụ nữ trẻ Việt Nam là kết hôn muộn:
Một số phụ nữ VN ở nông thôn ở một số các tỉnh miền Nam, đặc biệt vùng ĐBSCL, lại có xu hướng đi lấy chồng nước ngoài, Hàn Quốc, Đài Loan rồi phía Bắc là TQ.-TS Vương Thị Hạnh
“Cái gia tăng để đến kết hôn sớm thì điều này chưa có cơ sở chứng minh đâu. Ở những vùng dân tộc thì họ vẫn có nạn tảo hôn, là mới mười mấy tuổi thôi và cả nam cả nữ đã có thể kết hôn. Và bây giờ họ cũng đang nghĩ làm thế nào tuyên truyền để đừng kết hôn quá sớm như vậy nó ảnh hưởng đến sức khỏe.
Về tâm lý kết hôn muộn, kết hôn chậm, nhiều các em nữ tơi độ 20, 21, 22 chẳng hạn… thậm chí 26, 27 cũng chưa muốn kết hôn. Nhất là những em đi nước ngoài về chẳng hạn lại có suy nghĩ tự chủ, suy nghĩ độc lập. Thành ra có xu hướng kết hôn chậm chứ không sớm đâu, còn nạn buôn bán thì có.
Hiện còn thêm một cái là một số phụ nữ Việt Nam ở nông thôn ở một số các tỉnh miền Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long, lại có xu hướng đi lấy chồng nước ngoài, Hàn Quốc, Đài Loan rồi phía Bắc là Trung Quốc. Do đó người ta suy ra là nếu như trong giới tính khi sinh mà bé trai nhiều hơn bé gái rồi khi nó trưởng thành lên thì lại có xu hường một số đi lấy người nước ngoài, do đó đi đến là nam giới và thanh niên sẽ là ế vợ. Đấy là kiểu suy ra như thế chứ còn điều đó thì mình cũng không có cơ sở.”
Nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của định kiến lựa chọn giới tính thai nhi, Việt Nam hưởng ứng chiến dịch “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh” do Quĩ Dân số Liên Hiệp Quốc khởi xướng.
Quĩ Dân số Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi và khuyến khích nỗ lực của chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, cùng nhau giảm thiểu hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh bởi đó là một hình thức phân biệt đối xử giới không thể chấp nhận.
No comments:
Post a Comment