Chân Như, phóng viên RFA
Ủy ban thường vụ quốc hội Việt Nam hiện đang bàn thảo về việc sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2013, trong đó có 1 số điểm đáng chú ý liên quan đến các trường hợp được tạm hoãn hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đó là câu chuyện ở hội trường Quốc hội tại Hà Nội. Hôm nay, diễn đàn bạn trẻ xin mời quý vị các bạn cùng nghe những chia sẻ của Tiến Trung, Minh Hiển và Trường Sơn về đề tài này.
Chân Như: Trong phiên thảo luận về việc sửa đổi Luật NVQS, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai nói: “Ở Hàn Quốc, mọi thanh niên đến tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Vậy Theo các bạn, tình hình Việt Nam hiện nay là trong thời chiến hay thời bình, có giống Hàn Quốc hay không, kể cả những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo và Hoàng Sa, cùng với 1 số đảo đá tại Trường Sa bị mất đang hiện hữu ?
Minh Hiển: Tôi cho rằng Việt Nam có một số đặc thù hơi khác so với Hàn Quốc bởi vì ở hai miền Nam Bắc Triều Tiên năm 1953 họ mới chỉ đạt được thỏa thuận ngưng bắn. Như vậy trên danh nghĩa họ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Ngoài ra cộng với sự đe dọa thường xuyên hiện hữu từ phía Bắc Triều Tiên nên khiến Hàn Quốc phải duy trì một chính sách quốc phòng. Còn Việt Nam có thể nói vẫn đang trong thời bình. Tuy nhiên, Việt Nam có một số lãnh thổ đang bị Trung Quốc chiếm đoạt, cộng với một vài tuyên bố đe dọa căng thẳng gần đây. Do vậy chúng ta vẫn cần phải có sự chuẩn bị về dân sự mặc dù không bắt buộc hay gấp rút như Hàn Quốc nhưng phải luôn sẵn sàng.
Tiến Trung: Tôi cũng đồng ý với ý kiến của bạn Minh Hiển. Đúng là Việt Nam đang trong thời bình vì không có tuyên bố chiến tranh với bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, bành trướng quân sự của Trung Quốc cũng đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, theo tôi vào thời điểm này việc đi nghĩa vụ quân sự là cần thiết, nhưng chúng ta cần đảm bảo được công bằng và quyền con người trong công việc này. Quan điểm của tôi công bằng thì ai cũng phải thực hiện nghĩa vụ với quốc gia dưới hình thức này hay hình thức khác. Đặc biệt là công bằng giữa người dân thường với đảng viên cộng sản và về dài hạn thì chúng ta phải tiến đến quân đội chuyên nghiệp. Còn vấn đề quyền con người chúng ta phải đảm bảo quyền tự do tư tưởng, không được bắt ép quân lính phải theo ý thức hệ hoặc một học thuyết chính trị nào.
Tôi nhấn mạnh rằng, quốc gia nào cũng cần phải cân bằng giữa lực lượng quân đội và phát triển kinh tế.- Minh Hiển
Trường Sơn: Theo tôi nghĩ, bà Trương Thị Mai so sánh nước ta với Hàn Quốc là không nên vì tình hình ở hai nước hoàn toàn khác nhau. Theo tôi sẽ hay hơn nếu bà nói rằng bài học lịch sử. Đất nước chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng đó là không lúc nào không bị đe dọa. Ngay cả lúc này, bài học lịch sử cho thấy rằng kẻ thù của chúng ta luôn luôn chờ sơ hở để tấn công. Và tôi luôn đồng tình là đất nước chúng ta nên và bắt buộc phải có một lực lượng quân sự mạnh nhưng để so sánh với Hàn Quốc thì không thể.
Chân Như: Với những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và những bài học lịch sử đã qua, thì theo các bạn: Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải, ngoài yếu tố phương tiện kỹ thuật thì Việt Nam cần tới 1 quân đội như thế nào? Những đòi hỏi với người lính về kỹ năng, kiến thức và tinh thần chiến đấu ra sao ?
Tiến Trung: Về kỹ năng kiến thức chúng ta cần phải tinh thông nghiệp vụ và sử dụng thành thạo khí tài quân sự. Để làm được điều này, theo Trung nghĩ, về dài hạn chúng ta vẫn phải hướng đến quân đội chuyên nghiệp. Thứ hai tinh thần người lính chiến đấu rất là quan trọng. Người lính chỉ chiến đấu khi họ tin họ đang chiến đấu vì chính nghĩa và họ có thể tin cậy vào người chỉ huy của mình để nghe theo mệnh lệnh chiến đấu.
Theo tôi ngoài việc không trung thành với bất kỳ một đảng chính trị nào, quân đội cần phải đặt nhiệm vụ bảo vệ người dân và tổ quốc lên hàng đầu. Và cũng cần phải nhắc lại là chính phủ Việt Nam cần phải bãi bỏ lời thề trung thành với đảng cộng sản trong quân đội như hiện nay. Quân đội chỉ trung thành với chính phủ do dân bầu ra qua bầu cử tự do công bằng. Chỉ khi như vậy thì người lính mới có thể tin tưởng người chỉ huy và có thể chiến đấu được. Bản thân tôi đã từng trong quân đội tôi biết tinh thần chiến đấu binh lính rất thấp không đảm bảo được công bằng.
Minh Hiển: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Trung ở điểm là lực lượng quân đội phải đặt mục tiêu là bảo vệ nhân dân tổ quốc lên hàng đầu, không nên điều khiển theo một ý chí của một đảng phái cụ thể nào cả bởi vì tổ quốc và nhân dân luôn luôn là quan trọng. Và tôi hoàn toàn ủng hộ về quan điểm đó.
Trường Sơn: Theo tôi trước hết Việt Nam cần phải có một đội quân chuyên nghiệp chứ không như đội quân nghĩa vụ như ngày hôm nay bởi vì chúng ta biết rằng lính của chúng ta bây giờ đi lính chỉ có 18 tháng. Như thế đến khi có biến, tôi nghĩ, sẽ không đảm bảo vì quân đội không được rèn luyện thường xuyên. Trước hết chúng ta nên có một quân đội chuyên nghiệp, họ đi lính trong thời gian dài coi lính là nghề. Tiếp theo về kỹ năng kiến thức và tinh thần thì tất nhiên chúng ta phải đòi hỏi một đội quân có trí thức về sử dụng kỹ thuật chiến đấu, về chiến thuật cũng như là sử dụng các loại vũ khí. Chúng ta cũng cần một đội quân được đầu tư bài bản từ kỹ năng kiến thức và cả về mặt vũ khí nữa. Còn vấn đề như anh Trung nói thì tôi hoàn toàn đồng ý.
Dù chúng ta có học vị cao như thế nào nhưng một khi anh không muốn đi quân đội, không muốn coi quân đội là nghề nghiệp của mình thì anh sẽ không có ý chí để học hỏi nắm bắt với kiến thức quân sự.- Tiến Trung
Chân Như: Nếu như các bạn để ý sẽ thấy, Quân đội Việt Nam thường có khẩu hiệu “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng cho biết: thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình theo quy định hiện hành là quá ngắn để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đến khi họ nắm vững hết thì lại hết thời hạn Nghĩa Vụ Quân Sự. Do vậy, mục tiêu để có được một quân đội tinh nhuệ khó có thể thành hiện thực. Vậy để có được 1 quân đội tinh nhuệ, các bạn thử đứng trên cương vị người làm chính sách quốc phòng, các bạn sẽ đưa ra ý kiến gì ?
Trường Sơn: Theo ý kiến phổ quan của cá nhân em, thực sự về kiến thức quốc phòng của em không nhiều, để cần có một đội quân tinh nhuệ theo em trước hết chúng ta phải có một đội quân được chọn lọc kỹ càng. Khâu tuyển quân phải chặt chẽ; Chỉ tuyển những người, thứ nhất có trình độ, thứ hai về mặt thể hình phải tốt. Tiếp theo đội quân này phải ở trong quân đội một thời gian đủ, ít nhất phải lên đến con số 5 chứ không thể là 18 tháng như hiện nay.
Như vậy, họ được huấn luyện chiến đấu liên tục và có thể là tham gia các cuộc diễn tập với cả quân đội nước ngoài nữa, thì mới đủ để thành lập nên một đội quân tinh nhuệ. Trong hoàn cảnh hiện nay những thanh niên tốt nghiệp cấp 3, đi lính 18 tháng được huấn luyện sơ sài xong thì không thể nào. Theo tôi thì sẽ rất khó để Việt Nam thành lập một đội quân tinh nhuệ với chất lượng lính như hiện nay.
Minh Hiển: Tôi cho rằng nguyên nhân bất cập hiện nay nằm ở chỗ đó. Việt Nam chúng ta đang thực hiện một chế độ nghĩa vụ quân sự mang tính chất đại trà. Theo tôi đánh giá , thời gian nguồn lực rất hạn chế, cộng với trình độ của những người tham gia không cao nên rất khó có thể đạt được khẩu hiệu “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” được. Theo tôi nên áp dụng hai hình thức rõ rệt, thứ nhất hình thức tuyển quân, sẽ nhằm hướng tới lực lượng quân sự như một nghề, một công việc. Và cơ chế này có thể phát huy được nhiều tính chủ động và sáng tạo sử dụng được thêm các nguồn lực của xã hội nữa. Còn nghĩa vụ quân sự theo tôi vẫn cần thiết tuy nhiên thay vì thời gian 18 tháng như bây giờ thì có thể xem xét lại, theo tôi, thiên về giảm xuống dành thời gian và nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Tiến Trung: Trong thời gian tôi trong quân đội, tôi thấy rằng thứ nhất, sỹ quan quân đội lương thấp; Binh lính đi nghĩa vụ cũng không có lương chỉ là phụ cấp vài trăm ngàn một tháng. Thứ hai họ phải hy sinh rất nhiều. Các sĩ quan phải trực chiến, phải ở trong doanh trại liên tục 24/24 để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.Việc đãi ngộ không xứng đáng nên tinh thần chiến đấu của quân đội rất thấp. Theo tôi cần phải xây dựng quân đội chuyên nghiệp và phải trả lương xứng đáng cho người lính. Khi đó họ mới có thể yên tâm công tác nhất là khi Việt Nam chỉ bảo vệ đất nước chứ không xâm lược đất nước nào. Chúng ta không cần quân đông nhưng cần quân đội tinh nhuệ tức là khí tài trang bị vũ khí và hiện đại và người lính phải được huấn luyện tốt.
Chân Như: Cũng trong phiên thảo luận về sửa đổi Luật Nghĩa Vụ Quân Sự, nhiều ý kiến cho rằng: nên hạn chế/thu hẹp số trường hợp được tạm hoãn hoặc miễn Nghĩa Vụ Quân Sự. Chẳng hạn như chỉ tạm hoãn cho học sinh phổ thông, sinh viên hệ chính quy đang theo học. Các hệ học tại chức, từ xa thì không được tạm hoãn. Từ các năm sau sẽ tuyển cán bộ, công chức, viên chức vào phục vụ trong quân đội nhằm tăng chất lượng hạ sỹ quan, binh sỹ trong quân đội thì các bạn có nhận định thế nào ? Và theo các bạn thì Việt Nam cần nhân lực phát triển kinh tế hơn hay cần nhân lực cho quân đội hơn?
Tiến Trung: Tôi xin nhấn điểm quan trọng chỗ này tức là dù chúng ta có học vị cao như thế nào nhưng một khi anh không muốn đi quân đội, không muốn coi quân đội là nghề nghiệp của mình thì anh sẽ không có ý chí để học hỏi nắm bắt với kiến thức quân sự. Cho nên quan điểm cần phải cho cán bộ công chức các viên chức tốt nghiệp đại học và cao đẳng trung cấp phục vụ quân đội để nâng cao chất lượng, theo tôi, quan điểm đó là sai lầm. Bởi vì một khi không có ý chí nguyện vọng muốn phục vụ thì anh sẽ không bỏ thời gian tâm huyết của anh ra để tìm hiểu về kiến thức quân sự, nên chất lượng như vậy không thể cao được.
Trong hoàn cảnh hiện nay những thanh niên tốt nghiệp cấp 3, đi lính 18 tháng được huấn luyện sơ sài thì không thể nào Việt Nam thành lập được một đội quân tinh nhuệ với chất lượng lính như hiện nay.- Trường Sơn
Do đó vẫn quay lại là chúng ta cần phải xây dựng quân đội chuyên nghiệp. Thứ hai muốn có tiền để có trang bị vũ khí hiện đại thì chúng ta phải có phát triển kinh tế, mà kinh tế hiện đang lụn bại thì không có tiền để mua sắm vũ khí hiện đại. Do đó quan điểm của tôi Việt Nam cần tập trung nhân lực, tài lực vào phát triển kinh tế.
Minh Hiển: Tôi xin nhấn mạnh vào vế sau của câu hỏi trước, tức là Việt Nam cần phát triển nhân lực kinh tế hơn hay cần nhân lực cho quân đội hơn? Tôi nhấn mạnh rằng, quốc gia nào cũng cần phải cân bằng giữa lực lượng quân đội và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trừ trường hợp trong bối cảnh chiến tranh thì mọi thứ ưu tiên cho quân đội. Còn trong các bối cảnh khác thì lực lượng kinh tế vẫn phải là cốt lõi. Vì vậy với đề xuất điều chỉnh đối tượng gọi đi nghĩa vụ quân sự như trên, theo tôi, sẽ ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế.
Tôi cũng chia sẻ quan điểm của anh Trung: khi họ đã đi theo dạng nghĩa vụ miễn cưỡng thì đối tượng đang học tập hay đã học tập xong có trình độ hay chưa thì cũng không cải thiện được nhiều về chất lượng. Đồng thời tạo ra ảnh hưởng xấu đến kinh tế. Có nghĩa là họ đã tốt nghiệp xong, đang đi làm tự nhiên lại cắt ngang họ ra để thực hiện một cái nghĩa vụ đại trà mà có phần miễn cưỡng. Và điều này còn xảy ra một việc đáng quan ngại hơn: việc phân luồng ra đối tượng như thế sẽ là cái kẽ hở cho nhiều việc thiên vị và bất công để dành cho các mối quan hệ chạy chọt để không phải đi nghĩa vụ quân sự.
Trường Sơn: Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với hai ý kiến trên. Theo tôi, câu hỏi này có hai vấn đề. Thứ nhất đó là hạn chế thu hẹp số trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt là tôi có để ý một chi tiết đó là các sinh viên học hệ tại chức và từ xa thì không được tạm hoãn, theo tôi, cái này hoàn toàn vô lý và không công bằng. Đã ở trong một nền giáo dục thì bất cứ cấp bậc hay hệ nào đi chăng nữa thì người ta đều có quyền được học tập, không thể cắt ngang việc học tập của người ta rồi gọi đi lính trong thời bình được.
Tuy nhiên, chuyện thu hẹp trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự thì tôi có để ý có một điều luật đó là những người không phải đi nghĩa vụ quân sự như con của liệt sĩ, của thương binh.Tôi không đồng ý điểm này vì chúng ta đang ở trong thời bình và kể cả thời chiến thì tất cả phải ra mặt trận chiến đấu. Trong thời bình đơn giản chúng ta đến để huấn luyện, chứ không có chuyện anh là con của liệt sĩ hay thương binh thì được ở nhà, còn tôi phải đi như thế là không công bằng trong xã hội. Vấn đề tiếp theo đó là họ muốn tuyển những viên chức hoặc cử nhân hay thạc sĩ đã tốt nghiệp đại học cao đẳng vào phục vụ trong quân đội.
Theo tôi cái này là bất khả thi vì môi trường trong quân đội mức đãi ngộ không đủ hấp dẫn để khiến cho những người có trí thức thật sự vào cống hiến. Như chúng ta thấy quân đội nước ngoài mức đãi ngộ của họ rất lớn cho nên họ không cần phải đi vơ vét quân họ chỉ cần đăng thông báo và người ta đến đăng ký thôi. Ngoài từ “Tổ quốc thiêng liêng” ra thì đồng lương và mức đãi ngộ cũng rất quan trọng vì ảnh hường trực tiếp đến đời sống của ngưòi ta. Theo tôi, nếu không giải quyết được vấn đề đó thì chúng ta không thể nào đi đến được một quân đội tinh nhuệ vì họ sẽ không thể tồn tại với mức lương như hiện nay.
Chân Như: Xin cám ơn phần chia sẻ của ba bạn Tiến Trung, Trường Sơn và Minh Hiển.
Chân Như cũng hy vọng các bạn trẻ đang nghe chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.
Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi Chân Như qua facebook tạifacebook.com/Channhu.rfa
No comments:
Post a Comment