Bà Lệ Giang, người được chị em trong hội tín nhiệm làm hội trưởng qua nhiều nhiệm kỳ, cho Người Việt biết: “Mục đích chính của Lễ Tưởng Niệm Bà Triệu là để nhắc nhở nhau vị anh thư trong lịch sử giữ nước của ông cha chúng ta. Nhất là trong lúc này, Trung Cộng phương Bắc, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam, lại đang tiến hành âm mưu, thủ đoạn xâm lấn biển đảo, đất liền của chúng ta.”
Vẫn theo hội trưởng Lệ Giang, năm nay, Ðại Lễ Bà Triệu ngoài những nghi lễ truyền thống như rước kiệu, múa kiếm, còn có màn nhạc cảnh Hòn Vọng Phu được tập luyện công phu và ban Liên Vũ Quốc Tế cùng tham gia.
Về tổ chức, Hội Bà Triệu cũng được các hội bạn như Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt và Ðồng Khánh trợ giúp tích cực như mọi năm. Bà hội trưởng nói tiếp: “Bà Triệu là một nữ anh hùng trong lịch sử Việt Nam nên đại lễ tưởng niệm không chỉ là riêng cho Hội Bà Triệu mà là lễ chung của cộng đồng người Việt, đặc biệt là các hội đoàn phái nữ.”
Vì lẽ này, “Lễ hội Tưởng Niệm Bà Triệu năm nào cũng được đồng hương đến tham dự rất đông, nhiều khi nhà hàng không đủ chỗ. Nhân đây Lệ Giang cũng xin nhà báo chuyển giúp lời cảm ơn chân tình đến ban tổ chức, các đoàn thể hỗ trợ, và toàn thể đồng hương.” Lời bà Lệ Giang.
Lịch sử về nữ anh thư Triệu Trinh Nương nay thì ai cũng biết và cũng thuộc làu câu nói lịch sử của bà: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông, lấy lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người.”
Sử sách Việt Nam qua các thời đại đều ghi chép về bà. Từ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục qua Thanh Hóa Kỷ Thắng, Hồng Ðức Quốc Âm Thi Tập đến Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim... đều có nhiều trang ghi chép về bà và đều gọi là Bà Triệu.
Với học giả Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược ấn bản sau chót còn ghi thêm là Triệu Thị Chinh nhưng không giải thích. Các sách viết trong thời gian gần đây cũng thêm là Triệu Thị Trinh (viết Tr mà không là Ch như học giả Trần Trọng Kim).
Nhà viết sử Phạm Văn Sơn còn đề cập đến tên Triệu Ẩu cũng đã được ghi trong một vài sử sách khác và giải nghĩa chữ “Ẩu” là do người Tàu họ viết có tính cách khinh thị. Sách Lịch Sử Việt Nam vào trước thế kỷ thứ 10, quyển 1 tập 1 viết rằng sách Tàu gọi bà là Triệu Ẩu, chữ Ẩu theo nghĩa xấu là Mụ, là người giữ em. Nhiều nhà khảo cứu về lịch sử có tra cứu chữ Hán, nhưng không tìm thấy chữ Ẩu nên có người hồ đồ cho rằng đó là chữ nôm để chỉ sự ẩu tả do sách Tàu viết.
Sử sách Việt Nam cũng ghi rằng quân Tàu (nhà Ngô) khi giao chiến với quân Bà Triệu bị đánh cho tơi tả nên rất sợ hãi kính phục, đã tôn xưng bà là Lệ Hải Bà Vương (ý nói thấy bà thì sợ hãi, nước mắt tuôn ra như biển). Nhưng nhiều sách khác ghi chú Lệ Hải Bà Vương là vị vua đẹp bên bờ biển (Thanh Hóa). Trong khi đó, hầu hết sách sử Việt còn ghi rằng quân của Bà Triệu tôn xưng bà là Nhụy Kiều Tướng Quân.
Bên cạnh những truyền thuyết về bà, người dân ở nhiều vùng trên đất Thanh Hóa ngày nay còn bảo tồn được những di tích về công cuộc đánh đuổi quân nhà Ngô của Bà Triệu, chẳng hạn đền thờ Bà Triệu trên núi Tùng thuộc xã Triệu Lộc, Thanh Hóa. Hàng năm dân chúng vẫn tổ chức ngày lễ hội tưởng nhớ bà vào ngày 21 Tháng Hai âm lịch.
Trong dân gian thì có nhiều ca vè tôn xưng bà Triệu trong nhiều vùng thuộc Thanh Hóa, như câu hát ru con của người dân xứ Thanh:
“Ru con con ngủ cho lành.
Ðể mẹ gánh nước rửa bành ông voi.
Muốn coi lên núi mà coi.
Có bà Triệu Tướng cưỡi voi, đánh cồng.”
Hàng năm, Hội Ái Hữu Bà Triệu và Thái Cực Quyền đứng ra tổ chức Lễ Tưởng Niệm Bà Triệu để chúng ta cùng có dịp ôn lại lịch sử giữ gìn đất nước của ông cha nên sự tham dự đông đảo của chúng ta cũng là cách tiếp tay cùng với hội Bà Triệu và Thái Cực Quyền trong việc truyền bá cho các thế hệ sau biết đến lịch sử oai hùng của dân tộc.
Quý độc giả cần liên lạc với Hội Bà Triệu có thể gọi tới (714) 696-4721, (714) 778-3920, (714) 383-4578.
No comments:
Post a Comment