Thái Lan vừa có bản Hiến
pháp tạm thời cho phép vị tướng lãnh đạo cuộc đảo chính vừa
qua nắm toàn bộ an ninh quốc gia và có quyền trấn áp bất kỳ
hành động nào được cho là mối nguy đối với hòa bình, an ninh,
kinh tế hay nền quân chủ của đất nước.
Bản Hiến pháp này đã được Quốc vương Bhumibol Adulyadej phê chuẩn sau khi Tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu Ủy ban Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO), cơ quan điều hành Thái Lan sau đảo chính, được Quốc vương tiếp vào chiều 22/7.
Quyền lực các tướng lĩnh
Tổng cộng bản Hiến pháp này có 48 điều.
Trong đó có những điều khoản đáng lưu ý như sau:
Điều 44 quy định tất cả các mệnh lệnh từ hội đồng tướng lĩnh đảo chính trên những vấn đề trên là ‘hợp hiến, hợp pháp và cao nhất’.
Điều 48 ân xá cho NCPO sau hành động đảo chính chính phủ dân cử của họ.
Điều 15 cho phép Quốc vương phủ quyết các dự luật.
Điều 19 cho phép Quốc vương cách chức thủ tướng theo đề xuất của chủ tịch Hội đồng Lập pháp Quốc gia và đề xuất này chỉ được đưa ra sau khi có ý kiến của NCPO.
Ngoài ra, Hiến pháp còn quy định để NCPO tiếp tục hoạt động như hiện nay và người đứng đầu hội đồng tướng lĩnh có thể triệu tập phiên họp nội các hay NCPO để bàn bạc các vấn đề về an ninh quốc gia.
Chính phủ sẽ bao gồm một thủ tướng và nội các gồm 35 thành viên. Nội các và thủ tướng sẽ do Hội đồng Lập pháp Quốc gia đề cử và được Quốc vương phê chuẩn.
Ủy ban soạn thảo Hiến pháp sẽ gồm 36 thành viên do chủ tịch của Hội đồng Cải cách Quốc gia chỉ định trong khi người đứng đầu ủy ban này sẽ do NCPO chỉ định.
Các thành viên của Hội đồng Lập pháp Quốc gia, Hội đồng Cải cách Quốc gia, Chính phủ và Ủy ban soạn thảo Hiến pháp nhất thiết không phải là thành viên các đảng phái hay những người chính khách nắm chức vụ trong chính quyền trong vòng ba năm qua.
Giai đoạn hai
Đây là lần đầu tiên Tướng Prayuth được Quốc vương triệu kiến kể từ khi quân đội lên nắm quyền hai tháng trước.
Bản Hiến pháp này là nhằm để khởi động giai đoạn hai trong lộ trình cải cách và hòa giải quốc gia do phe đảo chính đưa ra.
Theo lộ trình này, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm tới.
Ông Sek Wannamathee, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Thái Lan, nói Hiến pháp lâm thời sẽ giúp thuyết phục cộng đồng quốc tế sẽ theo đuổi lộ trình đặt ra và sẽ hoàn thành đúng thời hạn.
Ông nói rằng điều tích cực là chính phủ các nước châu Âu, Hoa Kỳ và Úc đã cho thấy họ đã hiểu rõ hơn về tình hình ở Thái Lan.
Chính phủ các nước hiện nay đã tập trung vào các chi tiết và tiến trình cải cách thay vì chỉ trích cuộc đảo chính như trước, ông nói.
Sáng thứ Tư ngày 23/7, Tướng Paiboon Koomchaya, phó lãnh đạo của NCPO phụ trách các vấn đề pháp lý và cố vấn pháp lý của NCPO, ông Wissanu Krea-ngam, sẽ tổ chức một cuộc họp báo giới thiệu về Hiến pháp này tại Dinh Chính phủ.
Bản Hiến pháp này có hiệu lực ngay tức khắc vào ngày 22/7 năm 2014.
‘Không hạn chế truyền thông’
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn của NCPO, Đại tá Winthai Suwari, nói với BBC Tiếng Thái rằng hội đồng các tướng lĩnh đảo chính của nước này ‘không có vấn đề gì với các cơ quan truyền thông báo chí” nhưng cảnh báo các cá nhân dùng mạng xã hội để chỉ trích chính quyền.
Tuy nhiên, phát ngôn nhân của NCPO nói rằng đây ‘không phải là một biện pháp kiểm duyệt truyền thông mà chỉ là biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn những thông tin bất hợp pháp’.
Trả lời BBC Tiếng Thái hồi cuối tuần trước, Đại tá Suwari nói một số cá nhân và báo chí đã đưa ra những bình luận và những thông tin ‘thiên kiến nếu không muốn nói là bị bóp méo để gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh hội đồng các tướng lĩnh’.
“Có những trường hợp NCPO vẫn chưa có bất cứ hành động gì hay chưa có kết luận cuối cùng nhưng một số cơ quan truyền thông chỉ dựa vào một số khía cạnh mà đã chỉ trích,” Đại tá Suwari nói.
“Điều quan trọng là NCPO phải duy trì hình ảnh để xây dựng lòng tin giúp giải quyết vấn đề một cách hiệu quả,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng cho đến giờ NCPO không có vấn đề gì với các cơ quan truyền thông mà chỉ là một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để đưa ra đồn đoán, cáo buộc hay xét đoán bất lợi cho NCPO, các tổ chức và các cá nhân khác.
‘Đưa tin cẩn thận’
Sắc lệnh mới của NCPO là phiên bản được điều chỉnh của hai sắc lệnh trước đây vốn được xem là nỗ lực của phe đảo chính muốn hạn chế tự do thông tin. Sắc lệnh này ngăn cấm phỏng vấn các học giả, các cựu viên chức hay cựu quan chức tòa án, tư pháp hay các tổ chức độc lập do lo ngại phát ngôn của những người này có thể gây hiểu nhầm dẫn đến hành động bạo lực hay chống đối lại hội đồng tướng lĩnh.
Hôm 22/5 năm nay, quân đội Thái Lan bất ngờ làm cuộc đảo chính chỉ vài hôm sau khi công bố thiết quân luật.
Trong một tuyên bố được phát trên truyền hình, quân đội nói “để đảm bảo điều hành đất nước một cách ổn thỏa, [quân đội] đã tạm đình chỉ bản hiến pháp 2007, trừ chương nói về Hoàng gia”.
Quân đội Thái đã tiến hành ít nhất 12 cuộc đảo chính kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ hồi 1932.
No comments:
Post a Comment