Thursday, July 24, 2014

“Room to read” và thành quả hoạt động tại VN

10272666_871384529554341_4415457155953664275_305.jpg
Room to Read Vietnam hướng nghiệp cho học sinh lớp 11 tại Cần Giuộc, Thủ Thừa, Long An, ngày 6/5/2014.
Courtesy Room to Read

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Room To Read, tạm dịch Phòng Đọc Sách, xuất phát từ ý tưởng làm sao cho học simh nghèo có sách để đọc, khởi sự hoạt động một cách khiêm tốn tại Nepal từ năm 2000, mục đích là tặng sách cho trẻ em nghèo ở vùng nông thôn của đất nước nằm dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn này.

Giáo dục làm thay đổi thế giới

Với tôn chỉ giáo dục làm thay đổi thế giới, hoặc nói một cách tích cực hơn là sự thay đổi của thế giới bắt đầu từ trẻ có học, Room to Read nhanh chóng phát triển dần thành một tổ chức toàn cầu, có mặt tại nhiều quốc gia như Bangladesh, Kampuchia, Ấn Độ, Lào, Nepal, Nam Phi, Sri Lanka, Tazania, Zambia.
Năm 2001 Room to Read đến Việt Nam, ban đầu cũng chỉ giới hạn trong phạm vi tặng sách cho trẻ đọc, rồi sau những dự án thư viện hoặc phòng đọc sách thì những chương trình hỗ trợ giáo dục qui mô và bài bản hơn được thực hiện. Năm 2011, Room to Read có mặt tại Thái Nguyên và Tuyên Quang là hai tỉnh miền núi phía Bắc. Phía Nam thì Room to Read đã làm việc tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ… Năm 2013, Room to Read nới rộng địa bàn hoạt động đến tỉnh Bình Định miền Trung Việt Nam.
Ngoài văn phòng chính ở thành phố Sài Gòn, phụ trách hai tỉnh phía Bắc là một văn phòng phụ ở Hà Nội. Hai văn phòng khác phụ trách các tỉnh phía Nam thì một ở Trà Vinh và một ở Vĩnh Long.
Room to Read định nghĩa người đọc độc lập là người có kỹ năng và có thói quen đọc sách, tập trung xây dựng thói quen, thiết lập môi trường đọc rồi xây dựng kỹ năng đọc để làm sao cho các em trở thành người đọc độc lập.
-Lê Tiến Phong
Từ văn phòng chính ở Sài Gòn, giám đốc quốc gia của Room To Read Việt Nam, ông Lê Tiến Phong, thạc sĩ chuyên ngành phát triển, cho hay:
“Nếu chỉ tặng sách tiếng Anh thì học sinh không đọc được. Khi huy động những nguồn, những nhà tài trợ nước ngoài, chủ yếu các nước phát triển, sách chủ yếu bằng tiếng Anh thì học sinh tại những nước đang phát triển như ở Việt Nam ở Nepal làm sao đọc được tiếng Anh?”
Từ trở ngại này xuất hiện thêm một chương trình gọi là xuất bản sách, bước đầu của những dự án phát triển kế tiếp của Room to Read:
“Khi hoạt động mình mới thấy có nhiều thứ cần thiết. Ở những nơi không có đủ phòng học, không có đủ lớp học cho học sinh thì làm sao có thể ưu tiên được cho một phòng để làm thư viện, cho nên xuất hiện thêm một chương trình xây dựng nữa để hỗ trợ cho những nơi khá nghèo nàn.”
Trong quá trình hoạt động, vẫn lời thạc sĩ Lê Tiến Phong, Room to Read ý thức rõ một vấn đề quan trọng không kém là sự bất bình đẳng giới:
10363436_871385106220950_1939512091260282907_250.jpg
Room to Read Vietnam hướng nghiệp cho học sinh lớp 11 tại Cần Giuộc, Thủ Thừa, Long An, ngày 6/5/2014.
“Trong giáo dục ở các nước đang phát triển, những xã hội như ở những nước Nam Á hoặc Việt Nam mình thì tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng còn rất nhiều. Tình trạng bất bình đẳng giới này cũng rất là trầm trọng thì mới xuất hiện thêm một chương trình nữa là Hỗ Trợ Giáo Dục Cho Nữ Sinh.”
Gần 15 năm hoạt động, Room to Read dần dần biến đổi, phát triển thêm chương trình Hỗ Trợ Học Ngôn Ngữ. Nhập các chương trình vào làm một, hiện tại hai chương trình chính yếu nhất của Room to Read là Hỗ Trộ Giáo Dục Cho Nữ Sinh nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, thứ hai là chương trình Hỗ Trợ Học Ngôn Ngữ để giúp học sinh trở thành người đọc độc lập:
“Room to Read định nghĩa người đọc độc lập là người có kỹ năng và có thói quen đọc sách, tập trung xây dựng thói quen, thiết lập môi trường đọc rồi xây dựng kỹ năng đọc để làm sao cho các em trở thành người đọc độc lập.”

Đào tạo nhiều kỹ năng

Tại Việt Nam cũng như tại các nước đang phát triển khác trong khu vực, khi kinh tế, giao thông cũng như thương mại đồng loạt phát triển thì trẻ em vùng nông thôn, đặc biệt những em gái thuộc những gia đình không được khá giả, có nhiều khả năng trở thành đối tượng của tệ nạn buôn người, còn gọi là đường dây buôn người từ quê lên tỉnh hoặc qua bên kia biên giới. Khi đẩy mạnh ý thức bình đẳng giới qua chương trình Hỗ Trợ Giáo Dục Cho Nữ Sinh, Room to Read cũng đã nhìn thấy thực tế này và đã cố gắng giúp các em cảnh giác trước tệ nạn buôn người đó. Về điều này, giám đốc Room to Read Việt Nam Lê Tiến Phong khẳng định:
“Chương trình Hỗ Trợ Giáo Dục Cho Nữ Sinh của Room to Read không chỉ tập trung vào việc học mà cũng được thiết kế để giúp nữ sinh có nhiều kỹ năng và kiến thức khác nhau. Trong bản thân từng chương trình cũng có những phát triển và biến đổi qua từng giai đoạn để ngày càng hoàn thiện hơn.
Ví dụ như ngày trước chương trình Hỗ Trợ Giáo Dục Cho Nữ Sinh của Room to Read chỉ chủ yếu hỗ trợ về mặt vật chất, cung cấp học bổng rồi hỗ trợ đồng phục. Nhưng qua thời gian hoạt động mình nhận thấy các em nữ sinh, đặc biệt các em gia đình khó khăn, thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ, thì các em cần nhiều cái hỗ trợ khác nữa. Vậy nên Room to Read ,ngoài việc hỗ trợ về mặt vật chất thì còn hỗ trợ kỹ năng sống, tư vấn tâm lý học đường cho các em nữ sinh nghèo, làm sao để các em có được kỹ năng ra được những quyết định quan trọng cho đời sống của mình.”
Một số chủ để mà Room to Read muốn định hướng cho nữ sinh là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thấu cảm. Bên cạnh đó, kỹ năng chăm sóc sức khỏe nữ giới, kể cả kiến thức vệ sinh trong sinh sản, cũng là những điều cần thiết phải được học:
Chương trình Hỗ Trợ Giáo Dục Cho Nữ Sinh của Room to Read không chỉ tập trung vào việc học mà cũng được thiết kế để giúp nữ sinh có nhiều kỹ năng và kiến thức khác nhau.
-Lê Tiến Phong
“Có nhiều em không thể theo đuổi hết con đường học tập, mặc dù có nhiều nỗ lực có nhiều hỗ trợ nhưng các em sẽ phải đi làm sớm. Điều không thể tránh khỏi trong chương trình của mình là có nhiều em không thể theo đuổi hết con đường học tập. Mặc dù có nhiều nỗ lực có nhiều hỗ trợ các em sẽ phải đi làm sớm, nhưng với những trường hợp như vậy thì các em đã có được những kỹ năng cần thiết chẳng hạn lạm dụng tình dục kể cả thành phố bây giờ cũng có nhiều chuyện như thế. Đấy là một số những hoạt động của Room to Read.”
Đến Việt Nam từ đầu dưới hình thức một tổ chức từ thiện, càng về sau này, đặc biệt trong vòng bốn năm trở lại đây, Room to Read quay sang những mục tiêu dài hạn như lời giám đốc Lê Tiến Phong trình bày. Hiện tổ chức đang giúp đỡ gần ba ngàn học sinh nữ vào chương trình Hỗ Trợ Giáo Dục Cho Nữ Sinh. Năng lực của nhân viên trong Room to Read, do vậy, cũng phải được nâng cao:
“Khi thực hiện những chương trình ví dụ chương trình Hỗ Trợ Giáo Dục Cho Nữ Sinh rất là bài bản thì Room to Read đòi hỏi nhân viên bây giờ phải có trình độ phải có kiến thức nhất định. Nhân viên ở Room to Read đều có quá trình hoạt động xã hội từ Đại Học Xã Hội Và Nhân Văn. Có những bạn học thạc sĩ ở nước ngoài chuyên ngành về phát triển.”
Room to Read có tất cả 40 nhân viên chính thức, làm việc tại chín tỉnh thành trên cả nước, từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bình Định, Sài Gòn, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ. Riêng nhân viên của chương trình Hỗ Trợ Giáo Dục Cho Nữ Sinh thì hiện tại có 11 người:
“Theo qui định của Room to Read, toàn bộ nhân viên của chương trình Hỗ Trợ Giáo Dục Cho Nữ Sinh đều là nữ, tất cả các cộng tác viên là những người trực tiếp làm việc gần gũi với các em nữ sinh cũng là nữ hết.
Tất nhiên là không thể, trong một thời gian ngắn, mà Room to Read có thể xây dựng được đội ngũ nhân viên có đủ năng lực để làm tất cả các công việc huấn luyện về kỹ năng sống, tư vấn về tâm lý và tư vấn học đường. Mình phải có những chương trình tập huấn gọi là vừa học vừa làm cho nhân viên và cho đối tác của mình. Bây giờ hơn hai nghìn rưỡi gần ba nghìn nữ sinh tham gia vào chương trình, nhân viên của Room to Read không thể nào quán xuyến và tổ chức tất cả những hoạt động chương trình của Room to Read được.”
Về lâu dài, để bảo đảm tính bền vững của chương trình, ông Lê Tiến Phong nói, Room to Read cộng tác với người của địa phương, với 100% cộng tác viên của Room to Read là cô giáo:
“Giáo viên kỹ năng sống thì có thể là thầy giáo hoặc cô giáo, những người trực tiếp ở lại trường và làm việc với các em. Room to Read đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho các thầy cô giáo đấy. Những giáo viên được Room to Read đào tạo sẽ là những người tổ chức những lớp tập huấn cho các em. Về mặt lâu dài, khi Room to Read không còn hoạt động ở trường nữa thì các thầy các cô với những kỹ năng những kiến thức đã được tập huấn sẽ áp dụng và góp phần giúp đỡ hỗ trợ các nữ sinh của trường sau này. Đó là cách thức Room to Read làm việc tại Việt Nam.”
Sau cùng, gây quĩ từ các cá nhân hay tập đoàn kinh doanh chuyên đầu tư vào lãnh vực giáo dục là cách mà Room to Read tìm kiếm phương tiện tài chính:
“Bởi vì những người sáng lập Room to Read và những người lãnh đạo cấp cao của Room to Read thì nhiều người có nguồn gốc từ các tập đoàn kinh doanh. Cho đến giờ chiến lược gây quĩ của Room to Read từ các tập đoàn đa quốc gia, từ các công ty đa quốc gia cũng khá thành công.
Room to Read tám năm liền được Charity Navigator xếp hạng bốn sao mà chỉ 1% những NGO ở Mỹ đạt được thành tích này.”
Số liệu từ Room to Read cho thấy thế giới có trên 60 triệu em nhỏ trong độ tuổi đi học đã không đủ điều kiện cắp sách đến trường. Bên cạnh đó, hầu như đa số của 60 triệu trẻ thiếu may mắn này không biết đọc biết viết. Giáo dục và nâng cao kiến thức cũng như năng lực cho trẻ, nói theo Room to Read, là quyền lợi đương nhiên của tất cả thiếu nhi toàn cầu bất kể nguồn gốc, giới tính. Giáo dục cho trẻ nghèo là tặng phẩm quí báu giúp em nhận ra tiềm năng bản thân mà em có thể cống hiến cho đời.
Thanh Trúc mạn phép chấm dứt mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi ở phút này. Kính chào tạm biệt và xin hẹn tái ngộ quí vị tối thứ Năm tuần tới.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc nguyent@rfa.org

No comments:

Post a Comment