Các nhà khoa học tuyên bố đã tìm thấy một công tắc "bật - tắt" trong bộ não, có thể đưa con người bước vào hoặc thoát khỏi trạng thái tỉnh táo, có ý thức.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện công tắc "bật - tắt" trạng thái tỉnh táo, có ý thức của con người trong vùng hạch nền của bộ não. Ảnh: Corbis
Tiến sĩ Mohamad Koubeissi và các cộng sự đến từ Đại học George Washington (Mỹ) đã nghiên cứu một bệnh nhân động kinh và phát hiện các xung điện của một vùng não nhất định khiến bà "ngủ lịm" trong những thời điểm lặp đi lặp lại. Chấm dứt kích thích bộ não đã đưa nữ bệnh nhân này thoát khỏi trạng thái thực vật, và bà không có bất kỳ hồi ức nào về những gì vừa xảy ra.
Sự tỉnh táo là trạng thái nhận thức được môi trường xung quanh mình. Sự thiếu tỉnh táo thường gắn với việc ngủ. Mặc dù vậy, cơ chế hoạt động của sự tỉnh táo, có ý thức hiện vẫn còn đôi chút bí ẩn, do nguyên nhân chính xác cho việc tại sao chúng ta ngủ và cách thức diễn ra quá trình đó vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi.
Vì vậy, khám phá mới về công tắc bật - tắt trạng thái tỉnh táo có thể vô cùng hữu ích trong các lĩnh vực y học nhất định.
Theo trang New Scientist, trong thử nghiệm lâm sàng, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Koubeissi đã sử dụng biện pháp kích thích não sâu tần số thấp để cố gắng giúp làm giảm các cơn động kinh ở bệnh nhân. Họ khám phá ra rằng, biện pháp này hiệu quả đến 92% và không làm tổn hại đến trí nhớ của bệnh nhân.
Vùng hạch nền (claustrum) là một mảng tế bào thần kinh mỏng nằm ở khu vực phía dưới của trung tâm bộ não. Ảnh: Daily Mail
Tuy nhiên, khi chuyển sang sử dụng các xung điện tần số cao, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một hiệu ứng thú vị. Kết quả của việc kích thích vùng hạch nền (claustrum), một mảng tế bào thần kinh mỏng nằm ở khu vực phía dưới của trung tâm bộ não, của nữ bệnh nhân động kinh 54 tuổi đã khiến bà mất ý thức.
Điều này đồng nghĩa, bệnh nhân không hồi đáp các mệnh lệnh và chỉ ngây nhìn vào không gian, trong khi nhịp thở chậm lại.
Khi các chuyên gia chấm dứt việc kích thích vùng hạch nền, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại và hoàn toàn không nhận biết được những gì mới xảy ra. Trong thời gian 2 ngày, mỗi lần vùng hạch nền nhận kích thích, điều tương tự lại xảy ra. Kết quả nghiên cứu thêm xác thực, đây không phải là tác dụng phụ của cơn động kinh.
Tiến sĩ Koubeissi ví hiệu ứng trên giống như việc khởi động một chiếc xe hơi bằng chìa khóa. Khám phá được kỳ vọng có thể ứng dụng để giúp những người bị kẹt trong trạng thái ít tỉnh táo, chẳng hạn như người bị hôn mê, hồi phục trạng thái có ý thích nhờ kích thích vùng hạch nền.
Các nhà nghiên cứu tiết lộ, bước tiếp theo, họ sẽ thử kích thích não của những bệnh nhân khác để xem vùng hạch nền đóng vai trò gì trong sự tỉnh táo của chủ thể.
No comments:
Post a Comment